|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự thảo danh mục 20 ngành độc quyền nhà nước có đi ngược nỗ lực cải cách, đổi mới?

09:16 | 12/02/2017
Chia sẻ
Cả giới chuyên gia và doanh nghiệp đều đang đặt câu hỏi xung quanh việc dự thảo danh mục các ngành, lĩnh vực độc quyền nhà nước trong bối cảnh cả guồng máy đang nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khởi nghiệp.

Ngược đường cải cách

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn, không thể bàn tới độc quyền nhà nước vào thời điểm này.

“Tôi cho rằng, dự thảo này đã đi ngược lại nỗ lực cải cách ngay từ cái tên”, ông Cung nói.

Thực ra, ông thừa hiểu, cơ sở của dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại chính là thực hiện theo Khoản 4, điều 6 của Luật Thương mại.

Theo điều này, Nhà nước thực hiện độc quyền nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia.

Đây cũng là cơ sở để cơ quan soạn thảo trình dự thảo Nghị định này với lý lẽ trong Tờ trình gửi Chính phủ là: “Đến thời điểm hiện nay, việc ban hành nghị định để hướng dẫn quy định về độc quyền nhà nước là hoàn toàn khả thi và trở nên cấp bách”.

Tuy nhiên, ông Cung nói, nếu Luật Thương mại 2005 không đáp ứng yêu cầu của sự phát triển hiện tại thì cần phải đề xuất sửa Luật Thương mại.

“Chúng ta không thể cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khởi nghiệp với các văn bản kiểu như vậy”, ông Cung nói.

Tại sao nhà nước phải độc quyền

Hiện tại, đang có những tranh luận khá gay gắt về từng ngành, lĩnh vực đang có tên trong Dự thảo. Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang gửi Dự thảo tới các hội viên để có thêm các ý kiến phản biện, hoàn thiện bản kiến nghị về việc xem xét lại Dự thảo này.

Hiện tại, đang có nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm tư nhân tham gia những ngành như xuất bản, nhập khẩu xì gà, quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch... rất khó lý giải.

Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, những ngành trên đều có thể mở rộng cho các doanh nghiệp tư nhân làm.

“Luật Doanh nghiệp đã quy định 7 ngành nghề cấm kinh doanh. Nghĩa là doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề còn lại. “Với một số ngành nhà nước cần giữ độc quyền, có thể sử dụng hình thức điều kiện kinh doanh, chứ không cần có văn bản như vậy”, ông Đức bình luận.

Dự thảo danh mục 20 ngành nghề nhà nước giữ độc quyền:

1. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (sẽ do BQP và BCA quy định chi tiết)

2. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp

3. Sản xuất vàng miếng

4. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng

5. Phát hành xổ số kiến thiết

6. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế)

7. Hoạt động dự trữ quốc gia

8. In, đúc tiền

9. Phát hành tem bưu chính Việt Nam

10. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan

11. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân

12. Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng

13. Quản lý, vận hành, khai thác đài thông tin duyên hải

14. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn

15. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư

16. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch

17. Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế)

18. Xuất bản (không bao gồm in và phát hành)

19. Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng

20. Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.

Khánh An