|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự Luật Thủy sản tạo rào cản với khai thác thủy sản xa bờ?

08:00 | 02/04/2017
Chia sẻ
VCCI vừa có góp ý về dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi do Bộ NN&PTNT xây dựng. Theo đó, VCCI cho rằng quy định về về điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá rất dễ trở thành “rào cản” đối với đánh bắt thủy sản xa bờ.
du luat thuy san tao rao can voi khai thac thuy san xa bo
Ảnh minh họa.

Đặc biệt, ủng hộ cơ chế giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản – quy định mới được đưa vào dự thảo, song VCCI góp ý rằng việc phân bổ hạn ngạch cần bảo đảm nguyên tắc công bằng và minh bạch để tránh hiện tượng “ban phát” hạn ngạch.

Theo VCCI, cần cân nhắc bãi bỏ quy định trong dự thảo về điều kiện khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam và phải được Bộ NN&PTNT chấp thuận. Bởi việc khai thác thủy sản ngoài vùng biển của Việt Nam là hoạt động cần được khuyến khích, tạo điều kiện.

Trong trường hợp ngư dân Việt Nam khai thác thủy sản trong vùng biển của quốc gia khác thì đã phải đáp ứng các điều kiện của quốc gia đó, nếu khai thác trong vùng biển quốc tế thì sẽ phải đáp ứng các quy định của pháp luật quốc tế. Pháp luật Việt Nam không nên đặt thêm các điều kiện, có thể sẽ trở thành rào cản cho việc khai thác thủy sản xa bờ.

Còn trong trường hợp cần thiết phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài thì chỉ cần quy định về thủ tục thông báo của tàu cá đối với cơ quan chức năng của Việt Nam, không cần thực hiện thủ tục xin phép.

Cũng theo VCCI, dự thảo yêu cầu tàu cá nhập khẩu phải được Bộ NN&PTNT cấp phép. Quy định này sẽ làm tăng các thủ tục hành chính không cần thiết. Bởi các tàu cá nhập khẩu phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực, được đăng ký tàu cá theo quy định tại Điều 71, và phải được cấp giấy phép khai thác thủy sản trước khi thực hiện hoạt động khai thác.

VCCI cũng bày tỏ lo ngại trước quy định về Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản. VCCI cho rằng nguồn thu của Quỹ từ ngân sách nhà nước và (dự kiến) sẽ bắt buộc các cá nhân, tổ chức khai thác thủy sản phải đóng góp. Điều này làm gia tăng gánh nặng chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà chưa bảo đảm hiệu quả. Thứ hai, quan trọng hơn, các hoạt động của Quỹ rất khó được giám sát và đánh giá hiệu quả.

Hơn nữa, tại Điều 73 của Dự thảo Luật quy định về điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá và giao Chính phủ quy định chi tiết. Quy định này nhằm mục đích bảo đảm về chất lượng và an toàn tàu cá. Tuy nhiên, theo VCCI, cần cân nhắc kỹ hơn về sự cần thiết của các điều kiện này.

Lý do là tất cả các tàu cá được đóng mới hoặc cải hoán đều sẽ được đăng kiểm trước khi đưa vào khai thác thực tế. Như vậy, chất lượng và an toàn tàu cá đã được bảo đảm bằng một biện pháp rất chặt chẽ và không cần thiết phải tăng cường bằng việc quy định điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá. Trong trường hợp việc đăng kiểm không đủ năng lực để bảo đảm chất lượng và an toàn tàu cá thì nên tăng cường cho hoạt động này chứ không nên đặt ra quy định điều kiện đầu tư kinh doanh.

Măt khác, việc quy định cứng các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá phải có từng loại máy móc cụ thể được liệt kê sẽ làm giảm sự linh hoạt của thị trường. Ví dụ, một cơ sở sản xuất chỉ tập trung thi công phần máy, phần ngư cụ, hoặc phần gỗ, phần mỏ neo và bán lại cho các cơ sở khác để tiếp tục lắp ráp, hoàn thiện. Việc bắt buộc có đầy đủ các loại máy móc sẽ không giúp các cơ sở có thể chuyên môn hóa nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.

VCCI cho rằng các điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể trong dự thảo đối với các ngành nghề này vẫn còn nhiều điểm chưa minh bạch. Ví dụ, nhiều điều kiện mới chỉ là “có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp” mà không có quy định chi tiết hơn hay giao Chính phủ quy định chi tiết. Quy định như vậy sẽ nảy sinh vướng mắc trong quá trình thực thi bởi cơ quan nhà nước và doanh nghiệp sẽ không có cơ sở khách quan nào để xác định tính phù hợp của cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, từ đó dễ nảy sinh tham nhũng tiêu cực.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, lấy ví dụ, việc sản xuất một chiếc máy bay như Boeing hay đòi hỏi hàng trăm cơ sở sản xuất tại hàng chục quốc gia khác nhau phối hợp thực hiện. Mỗi cơ sở chỉ sản xuất một vài chi tiết hoặc thực hiện một phần công đoạn của việc hoàn thiện một chiếc máy bay. Toàn bộ hệ thống đó hoạt động rất hiệu quả và tạo nên chuỗi giá trị toàn cầu. Chất lượng và an toàn của một chiếc máy bay được bảo đảm dựa vào giai đoạn kiểm định và bay thử, chứ không cần có quy định về máy móc của việc sản xuất.

Song Nhi