|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dự kiến quý II/2018 thông qua chức năng và nhiệm vụ 'siêu' Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN

18:51 | 02/02/2018
Chia sẻ
Chính phủ dự kiến thông qua nghị quyết về chức năng và nhiệm vụ Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong quý II/2018. Mô hình này bao quát hơn SCIC, quản lý tổng thể tất cả tài sản trị giá khoảng 5 triệu tỷ đồng.

Chiều 2/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018.

Trả lời câu hỏi về mô hình của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện Văn Phòng Chính phủ cho biết, ngày 15/1 Thủ tướng đã có Quyết định 66 về việc thành lập tổ công tác để thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và giao Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng, có nhóm giúp việc là văn phòng Chính Phủ và cơ quan liên quan.

du kien thong qua chuc nang va nhiem vu uy ban quan ly von nha nuoc trong quy ii2018
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng

Bộ Nội vụ đã có báo cáo để thành lập Ủy ban quản lý vốn, các thành viên Chính phủ đã đồng ý thông qua nghị quyết này. Dự kiến Chính phủ sẽ thông qua nghị quyết về chức năng và nhiệm vụ ủy ban quản lý vốn Nhà nước trong quý II/2018.

Mô hình của Ủy ban này nó khác với mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), bao quát hơn, quản lý tổng thể tất cả tài sản khoảng 5 triệu tỷ đồng, rất lớn, đây được xem là định chế kinh tế bao trùm. Sẽ xây dựng các văn bản pháp luật quy phạm để có thể bao quát hoạt động, đại diện văn phòng Chính phủ cho biết.

Ngoài ra, tại buổi họp báo, ông Bùi Tiến Dũng cho biết việc bán cổ phần Sabeco, Vinamilk, Thủ tướng chính phủ nhấn mạnh lại quan điểm công khai minh bạch, ngay cả vấn đề kỹ thuật khớp lệnh trên sàn như thế nào, đảm bảo không có lợi ích nhóm, không có tiêu cực, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Được biết, theo quyết định thành lập, ông Nguyễn Hoàng Anh làm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng thời làm Tổ phó thường trực.

Các Tổ phó khác là gồm: ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Các thành viên tổ công tác gồm: Ông Nguyễn Duy Thăng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Tiến Châu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và bà Hoàng Thị Ngân - Vụ Trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ, Thư ký Tổ công tác.

Tổ công tác có nhóm giúp việc gồm 9 ông, bà là đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, đơn vị trong đó bà Hoàng Thị Ngân - Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ - Trưởng Nhóm giúp việc.

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các công việc phục vụ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và kết thúc nhiệm vụ khi hình thành được bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thành viên Tổ công tác và Nhóm giúp việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế làm việc do Tổ trưởng Tổ công tác ban hành.