Dự kiến quý I/2017 sẽ có đề án thoái vốn nhà nước tại Sabeco
Ảnh minh họa |
Dự kiến, trong tháng 1 sẽ tìm được nhà tư vấn cho thương vụ này. Về đề án thoái vốn nhà nước, cuối quý I/2017, Sabeco có thể hoàn tất đề án để trình Bộ Công thương và Chính phủ thông qua.
Tuy nhiên, nguồn tin cho hay, việc thực hiện đề án đang gặp một số khó khăn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đề án phải đáp ứng được 4 tiêu chí: công khai, minh bạch; đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước; giữ gìn thương hiệu và đảm bảo quyền lợi người lao động.
“Sau thương vụ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái 9% vốn tại Vinamilk, kết quả đấu giá không như kỳ vọng, những người làm đề án thoái vốn nhà nước tại Sabeco có phần e ngại. Quy mô quá lớn là ưu điểm, nhưng đôi khi là nhược điểm trong quá trình bán vốn nhà nước”, nguồn tin nói.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (23/12), giá cổ phiếu SAB của Sabeco là 200.000 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, vốn hóa Sabeco là hơn 128.256 tỷ đồng, tương đương khoảng 5 tỷ USD. Thâu tóm được Sabeco đồng nghĩa với việc có được vị thế đặc biệt trên thị trường. Một tổ chức muốn mua chi phối Sabeco, số tiền phải bỏ ra ít nhất là 2,5 tỷ USD.
“Đó là con số rất lớn. Chúng tôi đang gặp 2 khó khăn: một là khó tìm được nhà đầu tư có đủ quy mô tài chính, hai là định giá hiện nay có thể khiến nhà đầu tư không mặn mà tham gia”, nguồn tin tại Sabeco chia sẻ.
Với khoảng cách lớn giữa giá trên thị trường và định giá doanh nghiệp theo cách thông thường, những người thực hiện công tác thoái vốn nhà nước đang trở nên khó xử.
Trong tuần qua, báo chí nước ngoài đã dẫn một nguồn tin dự báo, Bộ Công thương có thể sẽ bán 44% vốn điều lệ Sabeco với mức giá 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nguồn tin tại Sabeco cho biết, ông không rõ nguồn tin này ở đâu ra. Bản thân Sabeco chưa nhận được chỉ đạo chi tiết về hướng thoái vốn nhà nước, mà chỉ có định hướng như trên.
Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán tại các đơn vị chuyên tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cho thấy, ý kiến được ra nhiều nhất trong tình huống Sabeco là: Nhà nước cần tăng cung tự do trên thị trường chứng khoán, để thị trường tự định giá doanh nghiệp về mức phù hợp hơn.
Với khối lượng cổ phiếu giao dịch tự do quá nhỏ như hiện nay, giá cổ phiếu Sabeco bị đẩy quá cao hoặc quá thấp là điều có thể xảy ra.
“Nếu quá cao, việc bán vốn nhà nước sẽ gặp khó khăn, vì không thể bán quá thấp so với giá thị trường. Thế nhưng, nếu đặt giả định ngược lại, nhà đầu tư chấp nhận mua gom trên thị trường, sau đó liên tục “đánh xuống” để tìm kiếm cơ hội mua lại Sabeco với giá thấp hơn thì sao?”, lãnh đạo một công ty chứng khoán đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, nguồn tin tại Sabeco cho biết, trong thời gian qua đã có ý kiến về phương án tăng lượng cổ phiếu tự do của Sabeco để thị trường có cơ hội điều tiết giá, đưa về mức phù hợp làm căn cứ thoái vốn nhà nước, nhưng không nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên.
“Bán thăm dò, bán từng đợt, hay bán trọn gói theo lô cũng đang là những vấn đề lớn mà Sabeco chưa có phương án cuối cùng. Còn giá thì càng là vấn đề nan giải. Có lẽ, rút kinh nghiệm trường hợp Vinamilk, Sabeco sẽ vừa làm, vừa xin ý kiến”, nguồn tin nói.
Trong khi Sabeco “đau đầu” trong việc xây dựng đề án thoái vốn nhà nước khả thi thì thị trường vẫn đang “say” cổ phiếu bia này.