|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự kiến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khai mạc vào ngày 23/10

16:58 | 18/09/2017
Chia sẻ
Tại phiên họp thứ 14 diễn ra vào chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại phiên họp thứ 12 (tháng 7/2017), Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Kiểm toán Nhà nước về dự kiến nội dung kỳ họp.

Theo đó, rút 2 dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình: Luật Hành chính công và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp để tiếp tục hoàn thiện. Như vậy, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 10 dự án luật thay vì 12 dự án luật.

Bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Bổ sung các nội dung gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu về: Kết quả giải quyết thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất; thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để xử lý việc quá tải của sân bay và giao thông khu vực xung quanh sân bay.

Về Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông, căn cứ kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng, sau khi xem xét tình hình chuẩn bị dự án tại phiên họp thứ 15, UBTVQH sẽ quyết định việc bổ sung nội dung này vào dự kiến chương trình kỳ họp.

Dự kiến chương trình chi tiết được bố trí như thông lệ, trong đó tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 23 ngày. Trong đó, xây dựng luật: 10,75 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 10,75 ngày; khai mạc, bế mạc: 1,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 23/10/2017 và dự kiến bế mạc vào ngày 22/11/2017.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, trong số 6 dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua, có 4 dự án luật đã được UBTVQH cho ý kiến tại phiên thứ 13; còn 2 dự án được cho ý kiến tại phiên họp này. Đến nay, đã quá thời hạn quy định (trước ngày 8/9/2017) nhưng chỉ có 2/5 dự án luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đối với 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, UBTVQH đã xem xét 3 dự án tại phiên họp thứ 13; còn 7 dự án được trình tại phiên họp này. Với tiến độ như vậy, nếu các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện thì có thể gửi tài liệu đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, thảo luận trước tại địa phương đúng thời hạn quy định (trước ngày 3/10/2017).

Các báo cáo về giám sát chuyên đề, công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo... cũng đã được UBTVQH cho ý kiến.

Các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri, dự án công trình quan trọng quốc gia sẽ được trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp thứ 15.

Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian 2,5 tháng kể từ khi kết thúc kỳ họp thứ 3, các nội dung dự kiến trình Quốc hội đã được các cơ quan hữu quan tích cực đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, hoàn thiện. Về cơ bản, các nội dung đủ điều kiện trình Quốc hội.

du kien ky hop thu 4 cua quoc hoi khai mac vao ngay 2310
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động phối hợp với cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công tác chuẩn bị và phục vụ về cung cấp thông tin, tài liệu, công tác tuyên truyền, báo chí, cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn kỳ họp và các công tác phục vụ khác… bảo đảm cho kỳ họp diễn ra thành công.

Để bảo đảm thời gian nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội trước khi về dự kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện nội dung kỳ họp để gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định. Đồng thời, đổi mới cách thức chuẩn bị văn bản tóm tắt, trong đó cần chú trọng những vấn đề cơ bản để bảo đảm thời gian trình bày các nội dung tại hội trường không quá 15 phút/tờ trình, báo cáo (trừ các báo cáo về kinh tế-xã hội, giám sát chuyên đề, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật) để dành thời gian cho đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội xem xét kỹ các nội dung thuộc trách nhiệm để đề xuất thời gian và cách thức tiến hành đối với từng nội dung cho phù hợp, nhất là phát huy nhiều hơn tính đối thoại, tranh luận. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm của đại biểu Quốc hội từ kỳ họp trước, đề nghị nâng cao hơn nữa chất lượng các báo cáo giải trình, tiếp thu, báo cáo thẩm tra, bảo đảm thuyết phục hơn, nêu rõ quan điểm, chính kiến và chuẩn bị dự thảo các vấn đề đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.

Đối với các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các ủy ban của Quốc hội xem xét, lựa chọn, đề xuất một số vấn đề cần thiết để bố trí thảo luận tại kỳ họp, góp phần nâng cao hiệu quả xem xét các nội dung thuộc trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, cơ bản các ý kiến phát biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, đồng thời thảo luận, cho ý kiến cụ thể về dự kiến chương trình kỳ họp, các nội dung cần chuẩn bị, thời lượng dành cho những nội dung cụ thể theo chương trình kỳ họp...

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau thảo luận, xem xét, UBTVQH thống nhất, tại kỳ họp thứ 4 sẽ cho ý kiến về 9 dự án luật thay vì 12 dự án luật sẽ được xem xét tại phiên họp; đồng thời bổ sung một số nội dung mới vào chương trình. Chương trình cả kỳ họp dự kiến là 23 ngày, song có thể tăng thêm thời lượng thảo luận về một số nội dung, ngày khai mạc sẽ không thay đổi (ngày 23/10) và ngày bế mạc tùy thuộc vào nội dung có thể bổ sung của kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện nội dung chương trình kỳ họp thứ 4, trình UBTVQH xem xét, quyết định.

Nguyễn Hoàng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.