Dự báo nhân dân tệ và chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm sâu
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đứng trước nguy cơ lún sâu vào suy thoái | |
Chứng khoán Trung Quốc thủng ngưỡng 3.000 điểm, chuyên gia nhận định “còn lâu mới chạm đáy” |
Ảnh: Bloomberg |
Theo Bloomberg, ông Magnus cho rằng đà giảm của nhân dân tệ (CNY) chỉ sẽ sâu thêm khi chính sách tiền tệ ở Đại lục khác biệt với chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Những gì xảy ra ở Trung Quốc hiện giờ là đà giảm giá CNY mạnh nhất trong ba năm trở lại đây, và thị trường chứng khoán bước vào vùng giảm giá. Tình hình này gợi nhắc ông Magnus về đợt bán tháo chứng khoán Trung Quốc năm 2015 - 2016 và ông không chắc giới chức Đại lục sẽ phản ứng ra sao.
“Tôi không lo lắng về một cuộc khủng hoảng do chính sách gây ra cho đồng tiền, nhưng các tín hiệu thực sự khá khó hiểu”, ông Magnus nói. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tiếp đặt mức giá tham chiếu nhân dân tệ so với đô la Mỹ trong tuần này cao hơn so với mức được các nhà phân tích và nhà giao dịch dự báo. Các chỉ số khác ít cho thấy dấu hiệu có hành động để ngăn chặn đà giảm mạnh.
CNY đã giảm 3% trong hai tuần qua giữa lúc căng thẳng về vấn đề thương mại Mỹ - Trung leo thang, kéo cao suy đoán rằng Trung Quốc đang dùng chuyện giảm giá nhân dân tệ một cách hiệu quả như là vũ khí trong cuộc tranh chấp. Một đồng tiền rẻ hơn có thể giúp hàng xuất khẩu Trung Quốc cạnh tranh hơn, dù chuyện mất giá hồi năm 2015 cũng khiến nhà đầu tư thế giới e sợ.
“Đây là con dao hai lưỡi và đây là lý do vì sao nó trở nên không chắc chắn hoặc có vấn đề với các nhà đầu tư”, ông Magnus cho biết. Ông từng là nhà kinh tế quốc tế tại các ngân hàng lớn từ thập niên 1980, và hiện là chuyên gia tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford. “Chúng ta đã trải qua điều này, tình hình rất giống với năm 2015 - 2016 khi tỷ giá hối đoái chịu áp lực” và PBOC phải chi dự trữ ngoại hối để chống đỡ nội tệ.
CNY tăng lần đầu tiên trong tuần này, giao dịch ở mức 6,6181 CNY đổi được 1 USD vào tối 29.6 ở Thượng Hải. Đồng nhân dân hải ngoại thì chốt 11 ngày lao dốc. Chỉ số Shanghai Composite có mức giảm hằng tháng tệ nhất từ tháng 1.2016. Thước đo cổ phiếu hiện giảm 20% từ mức cao trong tháng 1, khớp với mô tả của một thị trường giảm điểm.
“Nỗi lo của tôi là đợt điều chỉnh cổ phiếu 20% không phải là lý do vì sao chúng ta không thể chứng kiến thị trường tiếp tục tăng giá đến như thế lần nữa”, ông Magnus cho hay. Chuyên gia này từng dự báo chính xác hồi tháng 7.2015 rằng chứng khoán Trung Quốc sẽ lao dốc thêm, và dự báo chính xác sự kết thúc của đợt giảm giá vào tháng 1.2016. “Không phải là không có mức sàn, nhưng chúng ta vẫn chưa xuống đáy nếu tình hình thương mại tiếp tục xấu đi”, Magnus nói.
CNY được dự báo sẽ hạ giá xuống dưới mốc 7 CNY đổi được 1 USD trong năm sau. Mức giá này chưa từng xuất hiện từ khi giới chức Trung Quốc neo đồng tiền trong một thời gian giữa thời khủng hoảng tài chính. Chính sách của PBOC tiếp tục khác biệt so với chính sách của Fed. PBOC đã và đang chuyển đổi trong năm nay, đi từ chỗ theo đuổi việc giảm đòn bẩy tài chính sang bơm thanh khoản để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế thực.
Trong ngắn hạn, các quan chức có thể can thiệp để ổn định tiền tệ và tránh để Tổng thống Mỹ Donald Trump có cớ để phạt Bắc Kinh vì động thái sử dụng tiền tệ như công cụ thương mại, ông Magnus nói. Đến nay, Trung Quốc ít có dấu hiệu can thiệp.