|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi (23/11): Bức tranh chăn nuôi heo trong 10 năm tới

19:00 | 22/11/2017
Chia sẻ
Giá heo hơi hôm nay hầu như không đổi ở cả 3 miền. Tuy nhiên, giá heo hơi miền Bắc có nơi xuống còn 25.000 đồng/kg vì bị thương lái ép giá.

Giá heo hơi miền Bắc hôm nay tại một số tỉnh giáp biên giới phía Bắc vẫn dao động trong mức giá tốt nhất miền, 29.000 - 30.500 đồng/kg

Tại Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh, giá heo hơi hôm nay duy trì ở mức tốt 30.000 đồng/kg, theo sau là các tỉnh Thái Nguyên và Thái Bình với giá heo hơi hôm nay ở 29.000 đồng/kg.

Toàn miền, giá heo hơi hôm nay vẫn được chào bán trong khoảng 26.000 - 30.500 đồng/kg. Mặc dù vậy, một số hộ chăn nuôi tại Hà Nam cho biết, có khi bị thương lái ép giá xuống còn 25.000 đồng/kg nhưng mua với số lượng không lớn.

Giá heo hơi hôm nay ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên duy trì ổn định, dao động trong khoảng 26.500 - 30.500 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá heo hơi tại một số tỉnh trọng điểm là Đồng Nai và TP HCM nằm trong khoảng 26.500 - 28.000 đồng/kg. Tại Cần Thơ, giá heo hơi đạt mức khá cao ở 29.000 đồng/kg.

Tính chung toàn miền Nam, giá heo hơi hôm nay giao dịch trong khoảng 25.500 - 29.500 đồng/kg.

du bao gia heo hoi 2311 buc tranh chan nuoi heo trong 10 nam toi
Ảnh minh họa.

Bức tranh chăn nuôi heo trong 10 năm tới

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, cuộc khủng hoảng lợn vừa qua là sự thanh lọc của thị trường, nhiều nước có ngành chăn nuôi heo cũng trải qua những cuộc khủng hoảng tương tự, thậm chí vài năm mới khắc phục được.

Các chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra 8 khó khăn chính của chăn nuôi nói chung cũng như chăn nuôi lợn nói riêng, đó là: Sản xuất thị trường còn thiếu kết nối và điều hành tổng thể, nhiều khâu trung gian, chi phí sản xuất còn cao; dịch bệnh truyền nhiễm khó kiểm soát, đặc biệt là bệnh tai xanh và LMLM; Tái cơ cấu ngành còn thấp, chuyển biến chậm, tích tụ đầu tư thấp; Giết mổ chế biến chưa quản lý và quy hoạch tốt; Tổ chức sản xuất còn yếu, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm; Chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, khó đi vào cuộc sống; Thể chế thiếu hoàn thiện còn vướng mắc liên quan đến đất đai, tín dụng, bảo hiểm,…; Hợp tác liên kết theo chuỗi còn chưa định hình, rời rạc, liên kết chưa chặt chẽ,…

Từ những khó khăn còn tồn tại như trên, để ngành chăn nuôi phát triển và bền vững trong 10 năm tới, bức tranh ngành chăn nuôi được định hình theo 3 hướng.

Thứ nhất, số lượng trang trại lớn tăng lên. Đến năm 2027, sản lượng thịt lợn trong các trang trại ước chiếm tỷ trọng trên 70%

Thứ hai, chăn nuôi quy mô nhỏ giảm mạnh (5 – 7%/ năm) tương đương với sản lượng thịt lợn nuôi trong nông hộ còn dưới 30%.

Thứ ba, chăn nuôi lợn chủ yếu là “cuộc chơi” của doanh nghiệp và những người chăn nuôi “chuyên nghiệp”. Cùng với đó, hợp tác liên kết chuỗi phát triển mạnh giữa nhà chăn nuôi, nhà giết mổ và nhà phân phối. Ước tính đến năm 2027, 100% trang trại chăn nuôi có hợp đồng đầu ra; Nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ chăn nuôi và giết mổ, an toàn thực phẩm, môi trường; Áp dụng đăng ký chăn nuôi trên toàn quốc và phát triển mạnh chuỗi thực phẩm có truy xuất nguồn gốc; Sản lượng thịt lợn tăng chậm (khoảng 3%/năm), chế biến sâu thịt lợn được quan tâm hơn; Phát triển nhiều loại hình chăn nuôi lợn hữu cơ; Tỷ trọng giết mổ công nghiệp sẽ tăng lên; Sản phẩm thịt lợn chế biến có thương hiệu và xuất khẩu được sang nhiều nước.

Tố Tố