|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự án mỏ sắt Thạch Khê: 'Tiếp tục triển khai là phương án tốt nhất'

21:00 | 30/10/2017
Chia sẻ
Dự án mỏ sắt Thạch Khê được tái khởi động tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng 2.000 tỉ đồng/năm giai đoạn 1, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động địa phương, đáp ứng được nhu cầu tinh quặng sắt chất lượng cao, giá rẻ cho ngành luyện kim trong nước.
du an mo sat thach khe tiep tuc trien khai la phuong an tot nhat

Mỏ sắt Thạch Khê dừng khai thác sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chính người dân trong vùng dự án.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê được tái khởi động tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng 2.000 tỉ đồng/năm giai đoạn 1, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động địa phương, đáp ứng được nhu cầu tinh quặng sắt chất lượng cao, giá rẻ cho ngành luyện kim trong nước…

Đề xuất dừng dự án “chưa đủ cơ sở”

Liên quan đến dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh), hiện có 2 luồng ý kiến với một bên ủng hộ việc dừng dự án, phía khác cho rằng việc sớm khởi động lại dự án là cần thiết và là phương án tốt nhất cho kinh tế xã hội và các bên liên quan.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch- Đầu tư đã đề xuất xem xét chủ trương dừng dự án với các lý do như năng lực tài chính của CTCP Sắt Thạch Khê (TIC) sẽ không đáp ứng được nhu cầu vốn của Tổ hợp dự án theo tiến độ triển khai; đầu ra của sản phẩm về dài hạn chưa chắc chắn; báo cáo tác động môi trường được phê duyệt cách đây 4 năm, còn thiếu một số nội dung cần được đánh giá, bổ sung cho phù hợp…

Tương tự, tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, chưa nên tái khởi động dự án mỏ sắt này do tác động môi trường, công nghệ khai thác, các yếu tố về địa chất và xâm lấn của nước biển.

Trước ý kiến của Bộ Kế hoạch- Đầu tư như vừa nêu, Bộ Công Thương đã đưa ra hàng loạt quan điểm chứng minh đề xuất dừng dự án là “chưa đủ cơ sở”, trong đó khẳng định cần xem xét thận trọng, tính toán đến những hậu quả, hệ luỵ liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ vì thủ tục pháp lý đã được làm đúng, đầy đủ theo quy định.

Về vấn đề môi trường, Bộ Công Thương cho biết, báo cáo thẩm định thiết kế kỹ thuật đã làm rõ các vấn đề chuyên gia, dư luận quan tâm, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng các giải pháp là phù hợp. Hiệu quả kinh tế của dự án cũng được khẳng định là “khả thi” khi hiệu quả cập nhật tháng 3/2017 cao hơn so với dự án phê duyệt năm 2014…

Phía Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng chỉ ra nhiều hệ luỵ khi dừng dự án như phá vỡ Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và Quy hoạch phát triển tổng thể Kinh tế - Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bên cạnh đó, không phát huy được nguồn tài nguyên sẵn có để phát triển kinh tế xã hội, các cơ sở sản xuất thép trong nước mất cơ hội sử dụng nguồn quặng chất lượng cao, giá rẻ và tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn quặng nhập khẩu giá cao làm tăng chi phí, giá thành sản xuất dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh với thép nhập khẩu.

"Không thể đánh bùn sang ao"

Trước một số lo ngại cũng như đưa ra cảnh báo, so sánh hậu quả môi trường của Formosa với Thạch Khê, trao đổi với PV, PGS.TS. Đinh Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam khẳng định, dự án Thạch Khê khác hẳn Formosa.

Ông Cánh phân tích, dự án cũng tác động môi trường nhưng không như Formosa vì nước thải bơm từ mỏ lên không giống nước thải công nghiệp. Khi khai thác quặng sắt xuống sâu phải hút nước, làm giảm mực nước ngầm phía trên, có thể gây mất nước của người dân hoặc sụt lún nhưng những điểm này đã được đánh giá tác động và đã có giải pháp khắc phục. Chúng tôi đã kiến nghị khi khai thác xuống sâu, trường hợp có những tác động như vừa đề cập nhà đầu tư phải đền bù, xây dựng, lấy nước ngầm xử lý thành nước sử dụng.

“Qua đánh giá về khoáng sản, điều kiện khai thác, những vấn đề có thể phát sinh, chúng tôi ủng hộ dự án tiếp tục triển khai, đây là phương án tốt nhất cho các bên liên quan”, ông Cánh khẳng định. Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi một cổ đông góp vốn tại mỏ sắt Thạch Khê khi lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định “không thể đánh bùn sang ao, Thạch Khê khác hoàn toàn Formosa”.

Vị này cho biết, Formosa trong quá trính thực hiện dự án sử dụng hàng ngàn tấn hoá chất độc hại cho nên hàng ngày xả ra hàng ngàn khối nước, khí chứa nhiều chất độc hại nếu xử lý không tốt gây ô nhiễm và có thể trở thành thảm hoạ. Trong khi Thạch Khê không sử dụng hoá chất, hơn 15 ngàn mẫu xét nghiệm trong lòng mỏ bao gồm quặng, đất, nước, khoáng vật… các chất độc hại nguy hiểm đều nằm dưới ngưỡng cho phép.

Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đặt vấn đề, các đánh giá tác động môi trường đều có ý kiến Hà Tĩnh từng đồng ý như vậy “trách nhiệm về chữ ký trong các cuộc họp như thế nào?” đồng thời cho rằng, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều thông tin, nội dung, hình ảnh không đúng sự thật, chưa thực hiện nghiêm túc Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị số 72-TB/TW ngày 09/5/2007 về quy hoạch dự án sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh).

Mất trắng gần 2.000 tỷ vốn nhà nước, 3.500 lao động mất cơ hội việc làm

Một thời gian dài, số phận dự án mỏ sắt Thạch Khê chưa được định đoạt. Tuy nhiên, chủ đầu tư, trực tiếp là các cổ đông đã phải bỏ gần 2.000 tỉ đồng để thực hiện dự án với những công việc như thăm dò, khảo sát, thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng, nộp ngân sách… TKV cho rằng, việc dừng dự án có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp trong đó chiếm đa số vốn nhà nước, đây sẽ là tổn thất rất lớn và gây lãng phí cho doanh nghiệp, nhà nước. Khi dừng dự án phải đền bù thỏa đáng.

Đối với người dân địa phương, TKV cho biết, người dân phải chịu ảnh hưởng bới các công trình xây dựng dở dang, mất an toàn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mất cơ hội việc làm cho khoảng 3.500 lao động tại địa phương, đặc biệt là những đối tượng đã bị thu hồi đất phục vụ dự án, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự khu vực…

Đề cập đến vấn đề thu ngân sách cho địa phương, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo TIC cũng đưa ra tính toán việc sớm khởi động dự án tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến nộp ngân sách khoảng 2.000 tỉ đồng/năm giai đoạn 1, và khoảng 4.000 tỉ đồng/năm giai đoạn 2 khi dự án đạt công suất thiết kế.

TIC cũng khẳng định, việc tái khởi động dự án sẽ khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP sắt Thạch Khê đáp ứng nhu cầu tinh quặng sắt chất lượng cao, giá rẻ cho các nhà máy luyện kim trong nước. Hạn chế lượng tinh quặng nhập khẩu, giảm nhập siêu và tiết kiệm ngoại tệ.

du an mo sat thach khe tiep tuc trien khai la phuong an tot nhat Số phận mỏ sắt Thạch Khê: Lo 'thiệt đơn, thiệt kép' nếu dừng triển khai

Bên cạnh việc cho rằng nên dừng triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê thì cũng nhiều ý kiến khẳng định, đẩy nhanh tiến ...

Anh Thư

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.