Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn do Tập đoàn Tuần Châu đề xuất không thuộc diện nhà nước hỗ trợ vốn
Theo đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu, dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn có tổng vốn đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng. (Ảnh minh họa) |
Tập đoàn Tuần Châu đề xuất làm dự án đại lộ ven sông Sài Gòn theo hình thức BT
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản gửi Sở KH&ĐT TP HCM nêu ý kiến về đề xuất dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn của Tập đoàn Tuần Châu theo hình thức BT.
Cụ thể, trong văn bản trước đó Sở KH&ĐT gửi hồi tháng 7, Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng (gồm cả chi phí lãi vay của nhà đầu tư) theo hình thức hợp đồng BT. Dự kiến, dự án sử dụng quỹ đất khoảng 12.398 ha (gồm cả quỹ đất thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư - NĐT).
Bộ KH&ĐT trích nội dung khoản 1, Điều 17 Nghị định số 15/2015 của Chính phủ quy định: “Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định và phê duyệt đề xuất dự án nhóm A, B và C. Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dựa án quan trọng quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công”.
Cũng theo nhiều quy định khác, Bộ đề nghị Sở KH&ĐT tham mưu UBND TP HCM về việc thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án.
Trong quá trình thẩm định đề xuất dự án, Sở KH&ĐT cần lưu ý rà soát, yêu cầu nhà đầu tư bổ sung các nội dung còn thiếu của hồ sơ đề xuất dự án (như giấy tờ chứng minh năng lực, kinh nghiệm của NĐT, kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự) cho phù hợp với quy định.
Theo quy định, nội dung đề xuất dự án phải bao gồm: sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển, dự kiến phương án tổng thể bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, dự kiến điều kiện thực hiện dự án khác (đối với dự án thực hiện theo loại hợp đồng BT), phân tích sơ bộ phương án tài chính dự án.
Tuy nhiên, đề xuất dự án này lại chưa làm rõ sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM.
Trong hồ sơ đề xuất dự án có nêu vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án, NĐT đề xuất được phân bổ chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây lắp, tư vấn, dự phòng với tổng giá trị khoảng 57.568 tỷ đồng (chưa gồm chi phí lãi vay của nhà đầu tư).
Nhưng theo quy định, vốn đầu tư nhà nước tham gia thực hiện dự án dưới dạng vốn hỗ trợ xây dựng công trình chỉ được sử dụng cho các dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng nhưng khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận. Đồng thời, đó phải là dự án do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đề xuất hoặc dự án thuộc đối tượng sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nước ngoài.
Như vậy nội dung đề xuất này của NĐT là không phù hợp với quy định hiện hành. Bên cạnh đó, dự án dự kiến sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên nên cần được trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Không chỉ định Tập đoàn Tuần Châu thực hiện dự án mà cần đấu thầu để chọn NĐT
Về quỹ đất để thực hiện dự án BT và dự án khác, NĐT đề xuất UBND TP HCM bố trí quỹ đất có diện tích rất lớn, khoảng 12.398 ha để thực hiện dự án (gồm cả quỹ đất để thực hiện dự án và thanh toán cho NĐT), tương đương khoảng 5% tổng diện tích TP HCM.
Bộ KH&ĐT đề nghị Sở KH&ĐT tham mưu UBND TP xem xét tính khả thi của việc bố trí các quỹ đất nêu trên trong bối cảnh nguồn lực đất đai hiện nay hạn chế. Do dự án xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn có quy mô lớn nên cần đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, môi trường đối với người dân khu vực và thành phố, vì vậy thành phố cần lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng đối với các vấn đề này.
Quy định yêu cầu hợp đồng dự án BT phải bao gồm các nội dung về dự án khác (như mục tiêu, tiến độ, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong việc thực hiện dự án khác...). Do đó, các nội dung liên quan đến dự án khác, đặc biệt là ảnh hưởng kinh tế - xã hội của dự án khác cần được nghiên cứu, đánh giá rõ ràng, đảm bảo nguyên tắc ngang giá với chi phí dự án đầu tư kết cấu hạ tầng.
Do dự án có tổng mức đầu tư lớn và gồm nhiều hạng mục phức tạp (như kết hợp giữa đại lộ và cầu vượt) nên đề nghị thành phố lấy ý kiến Bộ Xây dựng về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư được đề xuất. Việc xác định giá trị quỹ đất đối ứng để thanh toán cho NĐT cần đảm bảo nguyên tắc ngang giá với giá trị dự án BT theo quy định.
Cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động vốn là một trong các nội dung cần có của phương án tài chính. Do dự án có tổng mức đầu tư rất lớn nên NĐT cần chứng minh khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn dự kiến huy động vào dự án, tiến độ huy động vốn cũng như sự sẵn sàng của các bên cho vay nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dự án, đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay theo đúng quy định.
Vấn đề lựa chọn NĐT, theo quy định của Luật Đấu thầu, NĐT đề xuất được chỉ định thực hiện dự án (chỉ định thầu do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn). Thông tin Sở KH&ĐT cung cấp cho thấy, dự án đại lộ ven sông Sài Gòn không thuộc các trường hợp nêu trên, do đó đề nghị tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn NĐT thực hiện dự án để đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế.
Những nội dung nêu trên chưa được giải trình, làm rõ nên Bộ KH&ĐT cho rằng chưa có đủ cơ sở để nghiên cứu, góp ý nội dung đề xuất dự án xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn.
Loạt vấn đề bất cập tại siêu dự án 6 tỷ USD ven sông Sài Gòn của Vạn Thịnh Phát
Siêu dự án 6 tỷ USD ven sông Sài Gòn của Vạn Thịnh Phát đang có loạt vấn đề bất cập như chưa được phê ... |