|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đột phá chính sách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 7

17:18 | 08/05/2018
Chia sẻ
Không cào bằng, kích thích sáng tạo là những thuật ngữ chung chung nhưng là sự đột phá trong đề án cải cách tiền lương cán bộ công chức sắp trình Ban chấp hành Trung ương Đảng.
dot pha chinh sach tien luong tai hoi nghi trung uong 7

Hương dắt chiếc xe Airblade mới coóng mà cô vừa tự sắm được sau gần một năm kể từ ngày ra trường để tới gặp Thảo, cô bạn cùng lớp kế toán tại trường đại học ở Hà Nội. Giữa năm 2017, cả hai cùng tốt nghiệp, Hương chọn làm kế toán ở một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thảo cũng làm kế toán nhưng là công chức tại UBND phường nơi cô sinh sống.

Hương và Thảo thỉnh thoảng có nói chuyện về tiền lương tại nơi làm việc của mình và nhận ra sự khác biệt quá lớn giữa 2 khu vực công và tư. Hương nhận mức lương thử việc là 6 triệu đồng/tháng, sau 2 tháng thử việc là 8 triệu đồng. Ngoài ra cô còn có phụ cấp tiền ăn trưa và được hứa hẹn tăng lương đều đặn hàng năm nếu kết quả công việc tốt.

Với tấm bằng đại học giống Hương, Thảo nhận mức lương khởi điểm của một công chức loại A1 với hệ số 2,34, nghĩa là 2,34 x 1.390.000 đồng (lương cơ bản) = 3,25 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể thời gian đầu cô chỉ được nhận mức 80%.

Nói ra mức lương của mình khiến Thảo chạnh lòng, nhưng cô hiểu đã chấp nhận làm Nhà nước thì khó có mức lương cao. Hàng ngày cô vẫn phải vật lộn với đồng lương ít ỏi để ổn định cuộc sống ở thành phố. Đôi khi điều đó khiến cô chán nản và mất đi động lực làm việc.

dot pha chinh sach tien luong tai hoi nghi trung uong 7

Chế độ tiền lương của những công chức như Thảo có thể sẽ thay đổi hoàn toàn nếu đề án cải cách tiền lương mới được Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua vào kỳ họp thứ 7 này. Đây là một vấn đề đã được tranh luận từ lâu, nhiều mặt bất cập được chỉ ra, nhưng cũng có ý kiến cho rằng không được nóng vội.

Thống kê năm 2016 cho thấy cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Trong khi đó, các đối tượng nghỉ hưu, hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách khác là gần 7,5 triệu người, ước tính số này tương đương 8,3% dân số.

Bộ máy lớn, hoạt động không hiệu quả, cơ chế tính lương còn nhiều bất cập là những nguyên nhân chính đặt ra yêu cầu phải có một cuộc cải cách mạnh mẽ tiền lương trong khu vực công.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 50% chi ngân sách thường xuyên là dành cho các đối tượng hưởng lương, trợ cấp từ Ngân sách Nhà nước. Số này tương đương 1/3 tổng chi ngân sách Nhà nước. Năm 2017, tổng chi ngân sách Nhà nước vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, thì khoảng 400.000 tỷ dành cho chi trả lương, trợ cấp.

Có thể nói 1/3 tiền thuế của dân đang dành cho việc chi trả lương, nuôi sống bộ máy Nhà nước. Câu hỏi đặt ra là liệu bộ máy này có hoạt động hiệu quả? Số lượng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức có thực sự cần thiết?

Cách đây khoảng 5 năm, tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức vào tháng 1/2013, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó còn là Phó thủ tướng thẳng thắn nói: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.

dot pha chinh sach tien luong tai hoi nghi trung uong 7

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng với 1/3 cán bộ, công chức, viên chức không làm được việc, tương đương tiêu tốn 17.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước mỗi năm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mô tả bộ máy chỉ có 1/3 cán bộ công chức “làm hùng hục” không hết việc, 1/3 chỉ cản trở những người khác và 1/3 công chức còn lại là “ngồi chơi xơi nước”.

“Như vậy, có đến 2/3 cán bộ công chức không làm việc thì làm sao đất nước phát triển được? Vấn đề này không chỉ "đẻ" thêm về ghế mà còn "đẻ" thêm cả bộ máy. Mà nhiều khi một việc cơ quan này làm không được còn kéo cả đơn vị khác vào làm cùng”, bà Lan thẳng thắn nói.

Con số 2,8 triệu công chức, viên chức năm 2016 chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng “miếng bánh” ngân sách cho chi trả lương là có hạn, càng nhiều người hưởng thì “phần” càng nhỏ.

Có 2 cách để “phần” tăng lên, đó là làm “chiếc bánh” to ra và tinh gọn lại những người được hưởng.

Ví von như vậy, nguyên Thứ trưởng Huân cho rằng việc cải cách tiền lương phải đi kèm với cải cách hành chính, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, không để tình trạng cồng kềnh, chồng chéo diễn ra. Ngoài ra, phải tiết kiệm chi các khoản không cần thiết để có thể tăng ngân sách cho chi trả lương.

dot pha chinh sach tien luong tai hoi nghi trung uong 7

Là một công chức, Thảo cũng chỉ một người lao động. Thảo nhận thấy rằng ở UBND phường nơi mình làm việc tiền lương của công chức không đủ sống, cào bằng, sự hiệu quả trong công việc không được coi trọng…

Ngược lại, ở khu vực tư nhân, mỗi chức danh, công việc đều có một mức lương khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu và giá cả lao động trên thị trường. Ở nơi Thảo làm việc, một kế toán lương được cào bằng giống như một quản lý thị trường, một thanh tra thuế, một cán bộ địa chính, một công chứng viên…

dot pha chinh sach tien luong tai hoi nghi trung uong 7

Đó là chưa kể, một kế toán khác có thâm niên lâu hơn, được tính hệ số lương cao hơn hẳn, trong khi khối lượng công việc là như nhau.

Những tháng mới vào làm việc tại UBND phường, Thảo đã mất nhiều thời gian để làm quen với việc cào bằng tiền lương trong khi công sức bỏ ra của mỗi người, mỗi bộ phận là khác nhau. Tổ văn thư tại phường đó có tới 3 biên chế, nhưng công việc thì chỉ bằng một phần nhỏ so với kế toán. Tổ đó lại có một số chị đã đứng tuổi, có thâm niên công tác nên mức lương rất cao.

Ngược lại, Thảo làm việc bận rộn với sổ sách kế toán, trong khi lương chỉ bằng 1/3 những người có thâm niên. Ở phường đó, Thảo còn thấy rất nhiều chức danh, biên chế sinh ra để cho có, công việc rất ít nhưng vẫn ngốn một khoản tiền lương đều đều hàng tháng.

Chính chế độ tính lương bất cập đó mới sinh ra câu chuyện lương chủ tịch UBND huyện nọ có thể thấp hơn lương một thanh tra viên cao cấp dưới quyền. Cụ thể, vị chủ tịch UBND huyện được tính là ngạch chuyên viên cao cấp, cùng ngạch với thanh tra viên cao cấp (cùng nhóm A3.1). Tuy nhiên, vị chủ tịch UBND huyện trẻ tuổi có thâm niên công tác ít hơn vị thanh tra viên kia, nên có hệ số lương thấp hơn.

Trong khi, khối lượng công việc của một chủ tịch UBND huyện rất lớn, chỉ khác có thêm một khoản nhỏ phụ cấp chức vụ. Tóm lại tổng thu nhập lại không bằng một thanh tra viên cùng ngạch công chức và dưới quyền mình.

dot pha chinh sach tien luong tai hoi nghi trung uong 7
dot pha chinh sach tien luong tai hoi nghi trung uong 7

Ngược lại những năm 80 của thế kỷ trước, cách tính lương theo hệ số ra đời. Trước đây, Việt Nam cũng áp dụng chế độ tiền lương với số tiền cụ thể cho từng chức vụ, vị trí. Tuy nhiên, giai đoạn 1980-1990, khi đất nước lâm vào thời kỳ lạm phát rất cao, có năm lên tới hàng chục %. Việc tính lương “đuổi theo” chỉ số lạm phát hàng năm với từng vị trí, chức vụ là một điều không tưởng.

Khi đó, chế độ tiền lương tính theo hệ số ra đời với ưu điểm là dễ tính toán cho dù lạm phát năm đó biến động đến mức nào. Người được trả lương chỉ cần nhớ đến hệ số mình rồi nhân với mức lương cơ bản là ra lương. Bộ máy tính toán lương cũng “nhẹ đầu” hơn hẳn.

Tuy nhiên, trong giai đoạn sau kéo dài đến nay, nền kinh tế đất nước đi vào ổn định, lạm phát được kiềm chế, việc tính toán lương theo hệ số không còn ưu điểm và ngày càng tỏ rõ những bất cập. Cào bằng; phụ thuộc vào ngạch, bậc, thâm niên công tác; không phụ thuộc vào hiệu quả công việc, khối lượng công việc đang làm trì trệ cả bộ máy công chức.

dot pha chinh sach tien luong tai hoi nghi trung uong 7

Nhận ra những điểm bất cập của chính sách tiền lương, đầu năm 2017, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công (gọi tắt là Ban chỉ đạo) do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đứng đầu với các ủy viên là đại diện hầu hết lĩnh vực trong khu vực công. Nhiệm vụ của ban chỉ đạo tóm gọn ở việc tìm ra con đường cải cách hiệu quả nhất, dự kiến trình lên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đã có rất nhiều hội thảo được tổ chức để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các tổ chức quốc tế về đề án cải cách tiền lương, cải cách chế độ bảo hiểm xã hội

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng liên tục trực tiếp có các buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị để lắng nghe ý kiến từ các ngành, lĩnh vực về đề án. Vào giai đoạn nước rút để cho ra đời đề án cải cách, vào cuối năm 2017, có thể thấy lịch trình làm việc dày đặc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan đến công việc của Ban chỉ đạo.

Chính sách tiền lương mới sẽ thực hiện theo lộ trình ra sao? Nếu được Hội nghị Trung ương 7 thông qua, đề án cải cách tiền lương sẽ bắt đầu được hoàn thiện và triển khai từ năm 2021 với nhiều giai đoạn.

Ngày 9/11/2017, ông làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 10/11 là Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 22/11 làm việc với Bộ Tài chính, ngày 25/11 là Bộ Quốc Phòng, ngày 27/11 là Văn phòng Quốc hội, ngày 9/12 làm việc với UBND TP.HCM…

Tại các buổi làm việc, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có những vấn đề bất cập của riêng mình, tuy nhiên tinh thần đều coi cải cách chế độ tiền lương, BHXH là tất yếu.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 7 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5. Với một công chức mới vào nghề như Thảo, đó là một sự kiện quá lớn, khó có thể chiếm nhiều trong suy nghĩ hơn bài toán cơm áo, gạo tiền hàng ngày. Tuy nhiên, cô vẫn để ý và cho rằng nếu đề án cải cách tiền lương được thông qua, nó có thể sẽ thay đổi hoàn toàn công việc của mình và hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức khác trên cả nước.

dot pha chinh sach tien luong tai hoi nghi trung uong 7

Sau 1 năm ra trường, Hương đã mua được một chiếc xe máy cho riêng mình để đi làm. Thành tích công việc năm đầu tiên của Hương khá tốt nên Tết vừa rồi, cô được thưởng khá hậu hĩnh. Từ đó, Hương có thể tự lo cho cuộc sống của mình và dành một chút tiết kiệm.

Ngược lại, với mức lương năm đầu tiên, Thảo vẫn phải sống dựa vào bố mẹ. Cô tâm sự nếu không có nhà ở Hà Nội, nếu phải đi thuê trọ và trang trải cuộc sống khi không có bố mẹ, chắc cô đã phải bỏ việc. Tháng nào có nhiều đám cưới bạn bè, riêng tiền đi ăn cỗ đã chiếm phần lớn khoản lương của Thảo, đó là chưa kể phải mua sắm những thứ cơ bản phục vụ cuộc sống.

Nhưng cô tự nhủ, mức lương của mình vẫn còn “cao” so với các bạn bè học sư phạm, chưa đỗ công chức mà phải đi dạy hợp đồng cho một số trường cấp 3. Lương dạy hợp đồng của giáo viên chỉ vào khoảng 1,2-1,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này được các bạn nói vui là “không đủ để đi ăn cỗ”. Trong khi đó, tương lai lại mập mờ khi rất ít trường còn chỉ tiêu biên chế.

Thảo từng chứng kiến rất nhiều bạn bè của mình từng tốt nghiệp thủ khoa tại trường đại học sư phạm, nhưng không chọn nghề giáo mà đi làm những nghề khác có mức lương cao hơn.

Trong khoa học quản trị, đãi ngộ nhân lực là một yếu tố rất quan trọng. Các hình thức đã ngộ có thể là tài chính, phi tài chính, môi trường làm việc… Trong đó đãi ngộ tài chính đóng vai trò rất quan trọng, có thể thông qua lương, thưởng, phụ cấp, trợ cấp.

Ngoài ra có thể đãi ngộ phi tài chính, đãi ngộ bằng môi trường làm việc hiệu quả, thú vị, lành mạnh. Mục đích của đãi ngộ chung quy lại là tạo động lực kích thích người lao động làm việc với hiệu quả cao nhất.

Từ đó có thể thấy, nếu đãi ngộ không tốt, người lao động sẽ không có nhiều động lực làm việc, và như vậy hiệu quả công việc không cao.

Trưởng ban chỉ đạo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ từng khẳng định đề án cải cách tiền lương dự kiến trình Trung ương Đảng nhằm giải quyết các bất hợp lý "cào bằng, không kích thích lao động sáng tạo, không kiểm soát được thu nhập ngoài lương của cán bộ công chức, viên chức".

Đề án sẽ trả lương theo cấp bậc, vị trí việc làm, đề cao trách nhiệm trả lương của người đứng đầu, người sử dụng lao động gắn với năng lực, khả năng của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, cải cách tiền lương phải gắn với chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đầu mối cơ quan, đơn vị để kéo giảm các chi phí như khánh tiết, hành chính, điện, nước, tăng cường thuê các dịch vụ của tư nhân.

Như vậy, quyết tâm của đề án có thể thấy được mục tiêu người lao động trong khu vực công có thể có mức lương đủ sống, cạnh tranh hơn và tiệm cận với kinh tế thị trường hơn. Quyết tâm này nếu thành hiện thực sẽ là một sự kiện lịch sử, thay đổi hoàn toàn bộ máy hành chính Nhà nước, từ lâu đã tốn biết bao giấy mực của báo chí và chuyên gia.

Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói rằng nếu đề án được thông qua thì đó là một sự thay đổi rất lớn đối với khu vực lao động công. Tuy nhiên, để đề án đi vào cuộc sống, thay đổi được những bất cập hiện nay thì đó là một chặng đường rất dài nữa.

Suy nghĩ đơn giản hơn, là một người lao động, Thảo kỳ vọng đề án sẽ cho mình có một công việc ổn định, thu nhập xứng đáng với công sức mình bỏ ra, môi trường làm việc có thể giúp cô vững tin, thỏa sức cống hiến.

Hiếu Công

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.