|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đồng USD giảm mạnh: Vì đâu nên nỗi?

19:55 | 31/07/2017
Chia sẻ
Tiền tệ thường được xem là thước đo chính xác nhất về triển vọng của một quốc gia, cho dù là về kinh tế hay chính trị.
dong usd giam manh vi dau nen noi
Nguồn ảnh: yesiamcheap.com

Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự thích thú khi chứng khoán Mỹ liên tục đạt các ngưỡng cao kỷ lục. Ông đã đăng lên Twitter vào ngày 12/7 rằng: "Thị trường chứng khoán lại lập thêm một kỷ lục nữa trong tâm lý hồ hởi và tích cực của nhà đầu tư”. Đó mới chỉ là 1 trong 8 dòng tweet của ông về thị trường chứng khoán trong tháng này.

Nhưng Trump hầu như không đăng dòng tweet nào về một chỉ số quan trọng khác: giá trị đồng USD. Đồng bạc xanh đã giảm giá mạnh, và các nhà giao dịch (trader) hiện đang đặt cược rằng nó sẽ còn giảm mạnh hơn nữa.

Liệu Trump có phải là nhân tố tiêu cực tác động lên đồng USD, vốn là biểu tượng toàn cầu của sức mạnh kinh tế Mỹ?

Sẽ khá hợp lý nếu cho rằng đà trượt giá kỳ này của đồng USD, vốn là chuỗi giảm dài nhất trong 6 năm qua, có thể là do thay đổi bất thường trong chính sách và lãi suất của Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed). Nhưng càng ngày càng có thể thấy rằng đà giảm này cũng là hậu quả của những scandal chính trị không hồi kết ở Washington. Và không có nơi nào tốt hơn cho các nhà đầu tư để bày tỏ quan điểm của họ về những biến động chính trị tại một quốc gia hơn là thị trường ngoại hối toàn cầu, với khối lượng giao dịch 5,1 nghìn tỷ USD/ngày.

dong usd giam manh vi dau nen noi
Diễn biến chỉ số S&P 500 (màu trắng) và chỉ số USD (màu vàng) kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ: Ảnh: Bloomberg

Shahab Jalinoos, người đứng đầu chiến lược ngoại hối toàn cầu tại Credit Suisse, cho biết: "Điều làm nên cái đẹp của tiền tệ là nó có giá trị tương đối. Nó sẽ cho bạn biết cách mọi người đang đánh giá về triển vọng của nước này so với nước khác."

Tiền tệ thường được xem là thước đo chính xác nhất về triển vọng của một quốc gia, cho dù là về kinh tế hay chính trị. Mối liên hệ này đã càng trở nên mạnh mẽ hơn sau thời kỳ nới lỏng định lượng những năm qua, vốn đã làm méo mó thị trường trái phiếu và cổ phiếu. Và khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đẩy lãi suất xuống mức không thể thấp hơn, chênh lệch tỷ giá ngày càng thu hẹp hơn bao giờ hết, khiến cho các trader ngày càng chú ý đến các diễn biến chính trị.

Nước Mỹ là trên hết?

"Điều thú vị nhất là thị trường tiền tệ ngày càng trở thành nơi phản ánh hầu hết những quyết định chính trị và các sự kiện rủi ro," Mark Haefele, giám đốc đầu tư toàn cầu tại UBS Wealth Management (quản lý hơn 2 nghìn tỷ USD), cho biết.

Nói một cách công bằng, đồng USD cũng đã phải chịu áp lực từ số liệu kinh tế không mấy sáng sủa tại Mỹ, vốn giảm bớt khả năng Fed nâng lãi suất cao hơn. Và Trump đã có ít nhất một lần thể hiện mong muốn có một đồng USD yếu và than phiền rằng đồng USD mạnh sẽ là không tốt cho các công ty sản xuất Mỹ - một ưu tiên quan trọng trong chính sách "nước Mỹ trên hết" (America First) của ông.

Tuy nhiên, việc công khai mong muốn đi ngược lại chính sách "đồng USD mạnh" vốn đã tồn tại bấy lâu nay có thể gây phản tác dụng. Đó là nhận định của John W. Snow, cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Ông Snow, nay là Chủ tịch Cerberus Capital Management, nói rằng: "Bạn không nên tao ra thêm sự biến động. Đây là một thị trường cực kỳ quan trọng. Tiền tệ phản ánh những gì đang xảy ra trong một quốc gia, và những kỳ vọng về tăng trưởng, sự thịnh vượng, lạm phát và lãi suất của quốc gia đó".

Lúc đầu, các trader ngành ngoại hối cũng hành xử giống như những trader chứng khoán, đó là xem những lời hứa hẹn về chính sách kinh tế của Trump (giảm thuế, tăng đầu tư hạ tầng) là yếu tố ảnh hưởng tích cực lên đồng USD, và tăng cường mua vào đồng bạc xanh. Đồng USD đã tăng vọt vào tháng 11/2016 và kết thúc năm 2016 ở mức cao nhất kể từ năm 2005, theo chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index (chuyên theo dõi USD so với 10 loại tiền tệ toàn cầu).

Tự mình hại mình

Kể từ đó, mọi thứ đã thay đổi. Trong khi thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập các đỉnh cao mới do các nhà đầu tư chứng khoán bỏ qua chính trị và tập trung vào lợi nhuận doanh nghiệp, thì đồng USD đã giảm hơn 8%, xóa sạch toàn bộ đà tăng sau cuộc bầu cử. Đối với nhiều người, đà đi xuống của USD phản ánh những lo ngại ngày càng tăng về những bất ổn chính trị ở Washington - mà phần nhiều là do chính Trump gây ra.

Và với những bê bối liên tiếp - từ việc sa thải Giám đốc FBI James Comey cho đến thất bại mới đây của Đảng Cộng hòa trong việc bãi bỏ Obamacare – đã tạo ra một sự đồng thuận trong thị trường tiền tệ: hãy bán tháo đồng USD.

Snow cho biết: "Hãy nhìn lại xem đồng USD đã tăng thế nào khi thị trường cảm thấy rằng việc ông Trump đắc cử tổng thống sẽ tạo ra một triển vọng tốt đẹp. Và bây giờ, "xem ra việc chính quyền Trump có thể tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng, cải cách thuế và cải cách y tế vẫn chưa trở thành hiện thực".

Hãy lấy ví dụ vào ngày 20/7, khi xuất hiện tin tức về một cuộc điều tra về các khía cạnh tài chính xoay quanh mối liên hệ giữa chính phủ Nga với chiến dịch tranh cử của ông Trump. Hôm đó, đồng USD ngay lập tức giảm xuống mức thấp trong 11 tháng. Chỉ 2 ngày trước đó, đồng tiền này cũng đã giảm mạnh khi đảng Cộng hòa không thể thông qua được kế hoạch sửa đổi đạo luật bảo hiểm y tế.

Thiếu niềm tin

Ông Haefele của UBS cũng có quan điểm tiêu cực về đồng USD. Ông đặt cược vào việc đồng euro sẽ mạnh lên so với đồng bạc xanh, và ông cho rằng tỷ giá cặp tiền tệ EUR/USD có thể đạt mức 1 euro = 1,2 USD trong vòng 12 tháng tiếp theo, từ mức 1,1751 vào tuần trước. Đó là một sự đảo chiều đáng kể từ đầu năm, khi đà tăng mạnh mẽ của đồng USD lúc đó đã đẩy tỷ giá cặp tiền tệ EUR/USD xuống mức thấp trong 14 năm là 1,0341.

Và nhiều người khác cũng có quan điểm giống ông Haefele. Các quỹ đầu tư đang tăng cường đặt cược vào sự yếu đi của đồng USD.

"Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến đồng USD suy yếu, và điều đó cho thấy việc thiếu niềm tin vào nền kinh tế Mỹ", Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco cho biết.

Bá Ước