|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đông Nam Á - điểm dừng tiếp theo của nguồn vốn Trung Quốc

11:52 | 02/06/2017
Chia sẻ
Từ những năm 1980, Đông Nam Á nhận nguồn đầu tư chính từ Nhật Bản, nhưng hiện tại khu vực đã tìm được nguồn tài nguyên vốn mới từ phía Trung Quốc.

Theo Maybank Kim Eng, các công ty Trung Quốc rót vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Đông Nam Á ở mức cao kỷ lục 14,6 tỷ USD trong năm 2015, gần gấp đôi so với năm trước đó và tăng mạnh so với con số 156 triệu USD từ một thập kỷ trước. Các nguồn vốn cũng được phân bổ đa dạng cho các ngành từ sản xuất, khai khoáng và nông nghiệp đến tài chính và dịch vụ thương mại, như quảng cáo và du lịch.

dong nam a diem dung tiep theo cua nguon von trung quoc

Có trong tay hàng nghìn tỷ USD dự trữ, Trung Quốc đang tích lũy tài sản nước ngoài một cách nhanh chóng thông qua các khoản đầu tư. Trung Quốc hiện hướng sự quan tâm đến các quốc gia Đông Nam Á. Một phần mục đích là để tìm kiếm nguồn sản xuất giá rẻ, và một phần nhằm thực hiện kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xây dựng lại “Con đường tơ lụa” giữa châu Á và châu Âu.

“Đông Nam Á đang là địa điểm thu hút FDI từ Trung Quốc vì sự tăng trưởng nhanh chóng và thị trường nội địa lớn. Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực cũng cần nguồn vốn nước ngoài để tài trợ ngân sách của họ, cũng như những nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng. Dự án “Một vành đai, Một con đường” sẽ là nhân tố giúp các khoản đầu tư của Trung Quốc tiếp tục phát triển tại khu vực”, ông Lee Ju Ye, chuyên gia kinh tế học của Maybank tại Singapore, trả lời phỏng vấn của Bloomberg.

Trong tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết nguồn vốn 540 tỷ nhân dân tệ (tương đương 79 tỷ USD), và khuyến khích các ngân hàng nội địa đóng góp 300 tỷ nhân dân tệ để tài trợ dự án “Vành đai và Con đường”. Ngân hàng Credit Suisse AG ước tính trong năm 5 tới, dự án này có thể tạo ra khoản đầu tư trị giá 502 tỷ USD trên 62 quốc gia, bao gồm các nước thuộc Đông Nam Á. Trong khu vực, địa điểm đầu tư hàng đầu của Trung Quốc là Singapore.

Trung Quốc cũng bắt đầu có những nỗ lực lớn nhằm vượt qua những đối thủ của họ trong việc tài trợ vốn đầu tư ở khu vực. Một nghiên cứu của Citigroup chỉ ra, đầu tư của Trung Quốc vào năm quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines, đã lên đến 13,5 tỷ USD trong năm 2016. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc có số vốn đầu tư nước ngoài vào Đông Nam Á vượt qua Nhật Bản.

Tuy nhiên, so với 10 thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á(ASEAN), Trung Quốc vẫn còn một quãng đường xa để đi. Theo Maybank, nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất vào ASEAN trong năm 2015 đến từ chính các quốc gia trong khu vực. Liên minh châu Âu (EU) xếp thứ hai, theo sau là Nhật Bản và Mỹ.

Lyly Cao