Động lực mới cho phát triển kinh tế tư nhân
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. |
Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết vai trò của KTTN đối với sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước?
Ông Tô Hoài Nam: Ở nước ta, khu vực KTTN có tốc độ phát triển nhanh hơn các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế, chiếm tỉ trọng cao trong GDP cả nước. Nếu như năm 2002 chiếm 27%, năm 2010 chiếm 42,96%, thì đến năm 2015 chiếm 43,22% GDP cả nước.
Cùng với đó, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển là từ khu vực KTTN.
Đặc biệt, khu vực KTTN thu hút khoảng gần 85% lực lượng lao động cả nước, hằng năm tạo ra khoảng 1 triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là tạo việc làm mới cho những đối tượng bị giảm biên chế hoặc mất việc làm do quá trình tinh giản bộ máy hành chính, cổ phần hóa DN nhà nước hay dịch chuyển lao động từ khu vực nông thôn.
Trong những năm qua, Chính phủ đã quan tâm thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn, bình đẳng hơn cho các DN tư nhân phát triển. Những nỗ lực này đã thực sự góp phần quan trọng tạo nên những bước tiến mới trong cải cách môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhận thức về KTTN đã có sự chuyển biến, vai trò của KTTN trong phát triển kinh tế-xã hội ngày càng được coi trọng.
Tuy nhiên, theo nhiều điều tra, đánh giá, KTTN vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế và trong đó chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, cá thể (chiếm khoảng 95%) và DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (trên 90% có mức vốn dưới 1 tỷ đồng), trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp…
Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành một Nghị quyết chuyên đề về KTTN tạo động lực như thế nào để thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển?
Ông Tô Hoài Nam: Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển KTTN, với mục tiêu phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Nghị quyết là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực KTTN và toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời, cũng thể hiện đường lối, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về KTTN.
Khi thực hiện được các nội dung của Nghị quyết, sẽ có sức khuyến khích phát triển rất tốt cho lực lượng KTTN. Nghị quyết sẽ khơi nguồn cho sự đổi mới, là cơ sở để các lực lượng KTTN trước đây bị kìm hãm hoặc bị hạn chế được bung ra. Tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng sức sản xuất, sáng tạo và phát huy toàn diện của vai trò KTTN trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất, để KTTN phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và lành mạnh, đúng đắn hơn ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Điều này giúp có thêm sức mạnh và động lực để hội nhập sâu hơn, khai thác các thành phần kinh tế có nhiều tiềm năng một cách tốt hơn, là điều kiện để áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong thời gian tới, cần thực hiện những giải pháp đột phá gì để KTTN phát triển nhanh, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế?
Ông Tô Hoài Nam: Để Nghị quyết về phát triển KTTN đi vào cuộc sống, cần lưu ý một số điểm căn bản.
Thứ nhất, về thể chế chính sách, dù muốn hay không thì thực tế hiện nay, vai trò của KTTN chưa được công nhận như Nghị quyết, vẫn còn nhiều định kiến về KTTN, nhất là ở cấp cơ sở. Vì thế, cơ quan Nhà nước các cấp theo thẩm quyền cần khẩn trương ban hành khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa và củng cố định hướng chính sách khuyến khích phát triển KTTN theo Nghị quyết và Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua.
Trong đó phải tập trung vào việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm chính sách hỗ trợ KTTN một cách thực chất, thông qua các chính sách hỗ trợ về lãi suất, ưu đãi về thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng...; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và các giải pháp tài chính, tín dụng; thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết tích cực giữa các ngành kinh tế, chủ thể kinh tế và không gian kinh tế. Khắc phục triệt để tình trạng các DN lớn chi phối, lấn át các DN nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội.
Các cơ chế, chính sách phải tích hợp được với nhau. Về tổng thể khung pháp lý, phải hình thành nên một trật tự sản xuất kinh doanh “mới hơn, có độ mở hơn” với các quan hệ đa dạng, nhiều chiều hơn giữa các chủ thể khác nhau, tôn trọng nguyên tắc thị trường, tôn trọng pháp luật và để cạnh tranh lành mạnh thực sự trở thành động lực chính yếu giữa các DN.
Thứ hai, thực hiện triệt để cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KTTN. Thông qua việc xây dựng cơ chế “một cửa điện tử”, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó tập trung vào cải thiện việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; giảm thời gian, chi phí tuân thủ các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về chế độ sở hữu rõ ràng để góp phần ngăn ngừa xung đột trong xã hội, góp phần phân bổ nguồn lực hiệu quả. Khi pháp luật về sở hữu rõ ràng thì tự nó sẽ đặt ra một trật tự có giới hạn cho các quyền của các chủ thể trong xã hội được bảo đảm, theo đó các DN sẽ biết trân trọng sự hợp tác và gắn kết nhiều hơn, tỉ lệ DN nói không với “chi phí ngầm” sẽ tăng và sự cạnh tranh lành mạnh sẽ thực sự trở thành động lực chính yếu giữa các DN, đó chính là thành tố cực kỳ quan trọng để tạo nên môi trường kinh doanh bền vững.
Thứ tư, về nguồn nhân lực, có thể thấy ngay việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay có rất nhiều vấn đề, câu chuyện “thầy nhiều hơn thợ” rồi “thiếu cả thầy và thợ” là đáng báo động. Vì thế, rất cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị. Trong đó, chú trọng chất lượng, hiệu quả đào tạo; đào tạo có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đào tạo nhân lực cho khu vực KTTN trong một số ngành, lĩnh vực theo đặt hàng của DN. Các chương trình hướng nghiệp, giáo dục kinh doanh phải được giới thiệu và phổ biến ở bậc phổ thông.
Thứ năm, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại, kiến nghị của DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các DN, công bố số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận và trả lời, giải đáp những vướng mắc kịp thời của DN ở các cấp, ngành.
Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, khu vực KTTN sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm thiết thực, sự đồng hành hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, cùng với năng lực nội sinh rất lớn, sự đồng lòng chung sức của doanh nhân, DN, chúng ta hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để tin tưởng những năm tới đây sẽ là cơ hội tốt để phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh doanh, định vị thương hiệu, xứng đáng với vai trò, vị thế và tiềm năng của KTTN theo tinh thần Nghị quyết.
Trân trọng cảm ơn ông!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/