|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dòng cổ tức hàng nghìn tỷ đồng đổ về EVN

07:00 | 02/01/2024
Chia sẻ
Hàng loạt công ty thành viên thuộc EVN đang mạnh tay chia cổ tức cao bằng tiền mặt, thậm chí dùng thêm lợi nhuận giữ lại và hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển để bổ sung dòng tiền chia cổ tức về công ty mẹ.

Trong giai đoạn cuối năm, các công ty thành viên trong hệ thống của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang dồn dập chia cổ tức tỷ lệ cao, qua đó đưa dòng tiền hàng nghìn tỷ đồng chảy về đích đến cuối cùng tại EVN.  

Nguồn thu cổ tức từ công ty thành viên

Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2- Mã: GE2) vừa chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 11% bằng tiền mặt vào ngày 25/12. Ngay sau đó, doanh nghiệp lại tiếp tục thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 12/1/2024 để tạm ứng đợt 2/2023 với tỷ lệ 16% bằng tiền.  

Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, EVNGENCO2 đã có 2 văn bản về việc tạm ứng cổ tức với tổng tỷ lệ 27%, tương đương với số tiền chi trả hơn 3.203 tỷ đồng. Hiện EVN là công ty mẹ sở hữu gần 99,87% vốn doanh nghiệp, theo đó sẽ nhận về phần lớn nguồn tiền với gần 3.200 tỷ đồng.  

Trong năm 2022, tổng công ty đã thực hiện chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 14%, tương đương số tiền 1.661 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức cho năm 2023 là tối thiểu 11% bằng tiền mặt. 

Các công ty thành viên của EVNGENCO2 cũng đang dồn dập tạm ứng cổ tức về tổng công ty này ngay giai đoạn cuối năm. 

Thủy điện A Vương (Mã: AVC) sẽ tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 4/2023 với tỷ lệ 47,89% với ngày chốt quyền vào 12/1/2024. Con số này đến sau Nghị quyết ĐHĐCĐ mới đây thông qua việc lấy toàn bộ lợi nhuận để lại và hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển để chia cổ tức.   

Trước đó, công ty thủy điện cũng mới chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 3/2023 vào ngày 25/12 và hai đợt tạm ứng khác vào tháng 8, 10.

Như vậy, tổng mức chi tạm ứng của 4 đợt này lên đến 118,54% - tương đương mức chi gần 890 tỷ đồng - là con số kỷ lục của công ty,  đồng thời bỏ xa kế hoạch chi trả tối thiểu 35% cho năm nay. EVNGENCO2 với sở hữu 87,45% cổ phần sẽ nhận về tổng cộng 777 tỷ đồng.

Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) vừa chốt danh sách cổ đông vào 27/12 để tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 tỷ lệ 2,75%. Công ty cũng đang lấy ý kiến cổ đông về việc hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển và dùng lợi nhuận 2023 để tạm ứng thêm cổ tức 18,75%. EVNGENCO2 đang sở hữu 51,9% vốn công ty nhiệt điện. 

Tương tự là Thủy điện Thác Mở (Mã: TMP) mới công bố việc hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển và tạm ứng thêm cổ tức 38,83%, nâng tổng mức tạm ứng từ tháng 11 đến nay là 89,93% (gần 629 tỷ đồng). EVNGENCO2 đang sở hữu 51,92% vốn công ty.

Ngày 25/12, Thủy điện Sông Ba Hạ (Mã: SBH) được cổ đông chấp thuận hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển, sử dụng lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận giữ lại để tạm ứng cổ tức với tổng tỷ lệ 77,7% (965 tỷ đồng). EVNGENCO2 đang sở hữu 61,78% vốn công ty.  

 Một số công ty thành viên trả cổ tức về các GENCO. Nguồn: HL tổng hợp. 

Nhóm Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO3 - Mã: PGV) cũng đang đẩy nhanh quá trình chia cổ tức về tập đoàn mẹ.

Ngày 29/12, tổng công ty đã chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền tỷ lệ chi trả là 6,66% và hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển để chia thêm 2,6% (tương đương tổng số tiền 1.040 tỷ đồng). EVN với sở hữu 99,19% vốn điều lệ sẽ nhận về hơn 1.000 tỷ đồng.

Nhiệt điện Bà Rịa (Mã: BTP) mới đây thông báo sẽ hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển và dùng lợi nhuận giữ lại các năm trước để chi trả cổ tức bằng tiền mặt đến 26,47% (tương đương 160 tỷ đồng). EVNGENCO3 đang là công ty mẹ nắm giữ 79,56% vốn. 

Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh chốt tạm ứng cổ tức 30% bằng tiền (709 tỷ đồng) vào ngày 29/12, hay trước đó một ngày Thủy điện Thác Bà (Mã: TBC) chốt tạm ứng 10% cổ tức tiền mặt (64 tỷ đồng). Hiện EVNGENCO3 nắm giữ lần lượt 30,55% và 30% cổ phần hai đơn vị này. 

Tổng công ty phát điện 1 (EVNGECO1) chưa công khai tài chính nhưng cũng đang có nguồn tiền cổ tức từ một số công ty thành viên trên sàn. Doanh nghiệp nắm giữ 99,93% cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (Mã: DNH) và 42% vốn Nhiệt điện Quảng Ninh (Mã: QTP). 

Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (Mã: DNH) vừa điều chỉnh tăng mức cổ tức năm 2023 từ 20% lên 24% nhờ hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển và trích thêm lợi nhuận giữ lại các năm trước. Công ty chốt quyền chia 20% vào ngày 8/12 và thêm 4% vào ngày 9/1/2024. 

Tương tự là Nhiệt điện Quảng Ninh đã hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển để chia thêm cổ tức với tỷ lệ 2,86% với ngày chốt quyền 9/1/2024. Công ty trước đó thông báo 12/12 là ngày đăng ký cuối cùng tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 tỷ lệ 7,5%. 

EVN lỗ nặng năm 2023

Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết doanh thu bán điện năm nay ước đạt 492.590 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2022.

Tập đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp tối ưu dòng tiền, tài chính, tăng giá bán lẻ điện 2 lần (tăng 3% từ ngày 4/5 và tăng 4,5% từ ngày 9/11) nhưng vẫn không bù đắp chi phí mua điện tăng cao. Kết quả, công ty mẹ EVN dự kiến lỗ 24.499 tỷ đồng cả năm.

Bên cạnh đó, từ cuối tháng 4, do một loạt nguyên nhân đã dẫn đến việc tiết giảm điện một số ngày trong tháng 6 các địa phương khu vực miền Bắc. Nguyên nhân là do phụ tải tăng cao, trong khi nước về các hồ thủy điện rất kém, sự cố các tổ máy, thiếu than... 

Lãnh đạo EVN cũng nhắc lại một số tồn tại về cung ứng điện năm nay. Cụ thể từ cuối tháng 4, do một loạt nguyên nhân đã dẫn đến việc tiết giảm điện một số ngày trong tháng 6 các địa phương khu vực miền Bắc.

Về hoạt động đầu tư, EVN sẽ đẩy tiến độ các dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Thủy điện Ialy mở rộng, Hòa Bình mở rộng; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục thu xếp vốn cho dự án Thủy điện Trị An mở rộng, triển khai thi công các dự án thuộc đường dây 500 kV.

Song song đó, tập đoàn đã hoàn thành nhiều dự án lưới điện quan trọng để tăng nhập khẩu điện từ Lào; giảm tải công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tại miền Trung, miền Nam và nguồn thủy điện nhỏ miền khu vực phía Bắc…    

Huy Lê