|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đối thoại tại nơi làm việc là “chìa khóa” để tăng năng suất lao động

20:24 | 24/10/2016
Chia sẻ
Tăng cường đối thoại tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp Việt Nam đã giúp cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động và đem lại lợi nhuận cao hơn cho các doanh nghiệp.

Đối thoại xã hội giữa người lao động, chủ sử dụng lao động và Chính phủ để xây dựng một môi trường làm việc tốt sẽ là “chìa khóa” giúp tăng năng suất lao động. Điều này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của hội nhập toàn cầu sâu rộng với những yêu cầu về tiêu chuẩn về điều kiện làm việc ngày càng cao.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị về Đối thoại xã hội, Năng suất và Điều kiện làm việc do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức ngày 24/10 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, các lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lao động đã đưa ra giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, vốn được đánh giá là rất thấp và thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ông Doãn Mậu Diệp cho rằng năng suất lao động, điều kiện việc làm và đối thoại xã hội có mối liên hệ mật thiết, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, đối thoại xã hội, đặc biệt là đối thoại ở doanh nghiệp còn mang tính chất hình thức.

“Đây là thời điểm thích hợp cho chính phủ của Việt Nam, cùng với ILO, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức của người lao động và các đối tác xã hội khác, xem lại chính sách của mình để nâng cao năng suất, cải thiện điều kiện làm việc và thiết kế và thực hiện các chính sách hiệu quả hơn,” ông Doãn Mậu Diệp nói.

doi thoai tai noi lam viec la chia khoa de tang nang suat lao dong

Hội nghị về đối thoại xã hội, năng suất và điều kiện làm việc. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, khu vực tư nhân, công đoàn, các hiệp hội ngành và các tổ chức giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng năng suất lao động. Thực tế, một số mô hình tăng cường đối thoại, cải thiện điều kiện làm việc đã giúp tăng năng suất lao động, đem lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp.

Chương trình Better Work (Việc làm tốt hơn) tại Việt Nam, với số lao động từ các nhà máy tham gia chiếm hơn 20% tổng lao động trong ngành may mặc cả nước đã đem lại những cải thiện đáng kể về điều kiện làm việc tại các nhà máy may mặc, đồng thời thúc đẩy hiệu suất kinh doanh thông qua việc tuân thủ tốt hơn luật pháp quốc gia và các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Người lao động tại các nhà máy tham gia chương trình Better Work cho biết lương hàng tuần tăng và họ ít lo ngại hơn về việc phải làm tăng ca quá nhiều, vấn đề bị lạm dụng hợp đồng thử việc. Đồng thời, các nhà máy nơi công nhân cho biết điều kiện làm việc được cải thiện có lợi nhuận cao hơn tới 8%. Tính trung bình, các doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu trên chi phí tăng 25% sau bốn năm tham gia Better Work.

Một mô hình khác là Chương trình phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE) với gần 120 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành chế biến gỗ, nội thất cho thấy đối thoại xã hội đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc cải thiện điều kiện làm việc mà còn góp phần tăng năng suất và khả năng cạnh tranh.

Khoảng 90% các doanh nghiệp tham gia SCORE cho biết chương trình đã giúp giảm chi phí của doanh nghiệp và việc lỗi sản phẩm cũng đã giảm.

Ông Boris Zürcher, Quốc vụ khanh, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ cho biết thêm: “Kinh nghiệm của Thụy Sỹ cho thấy đối thoại xã hội mạnh mẽ là cần thiết cho sự thịnh vượng của quốc gia. Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động cần cùng nhau tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất và đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế.”/.

Theo Hồng Kiều