Doanh nghiệp tư nhân cần an toàn, bình đẳng, thuận lợi
Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII đã xác lập rõ ràng vị thế của kinh tế tư nhân là động lực của phát triển kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây lần đầu tiên đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân; Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng vừa được thành lập...
Các sự kiện trên đã tạo nên một không khí đổi mới, phấn khởi cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Vấn đề còn lại là làm sao để biến những chủ trương thành hiện thực? Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, Pháp Luật TP HCM trò chuyện với các DN xung quanh chủ đề này.
Ông NGUYỄN ĐỨC TÙNG, Phó Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam:
Vẫn tồn tại nhiều hạn chế
Kinh tế tư nhân và các DNTN hiện rất được quan tâm và tạo nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế cho thấy vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần tháo gỡ.
Các DNTN không thể phủ nhận các mặt yếu như: Lợi dụng hệ thống pháp lý lỏng lẻo, quy hoạch thiếu bền vững để lách luật và đầu tư thiếu kiểm soát vào những ngành có xu thế cơ hội hơn là thị trường để trục lợi cá nhân. Một số DN có mối quan hệ tốt với cơ quan nhà nước xin dự án bất động sản, rồi đền bù ít, đẩy giá cao.
Không ít lãnh đạo của DNTN còn hạn chế về năng lực hiểu biết luật pháp, quản lý vĩ mô, quản trị DN, đánh giá và phát triển thị trường... Từ đó dẫn đến việc khi DN phát triển nhanh thì dễ bị vỡ và thất bại khi vượt quá khả năng hay khuôn khổ của một DN gia đình.
Do đó theo tôi, để kinh tế tư nhân có cơ hội được đóng góp thực sự hiệu quả và bền vững thì Chính phủ cần quyết liệt nhận diện và tháo gỡ các rào cản của thị trường để tạo ra một sân chơi lành mạnh cho DN, tạo động lực thật sự cho DNTN; cho phép DNTN chủ động tham gia tìm kiếm thị trường, xác định thị trường (ngoài nước) và Nhà nước hỗ trợ cơ chế, chính sách đi kèm.
Đặc biệt, Chính phủ cần khuyến khích tiếng nói DNTN, tiếp tục tinh thần đối thoại cởi mở, thẳng thắn để tư nhân tăng niềm tin với Chính phủ và tăng sự đồng hành trong các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế đất nước.
Về phía DNTN, theo tôi, cần chủ động nhận thức đạo đức trách nhiệm và gương mẫu tuân thủ quy định của luật pháp trong quản trị, kinh doanh, sản xuất và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Các DNTN cần tin tưởng nhau, tăng cường liên kết, biết tôn trọng quyền lợi của đối tác trên tinh thần các bên để cùng phát triển và cùng thành công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân vào ngày 30-9. Cuộc đối thoại được xem là chưa có tiền lệ bởi trước đây thường chỉ có các cuộc tọa đàm với doanh nghiệp nói chung hoặc doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: VGP |
Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T:
Chính quyền đồng hành, DN sẽ thuận lợi
Các DN tư nhân cần sự đồng hành nhiệt tình, thực chất từ chính quyền địa phương. Tôi nói như vậy là vì nhiều năm qua, chúng tôi đạt được kết quả xuất khẩu trái cây tốt sang thị trường Mỹ một phần là nhờ sự ủng hộ, đồng hành của các chính quyền địa phương.
Ví dụ trong quá trình xuất khẩu trái nhãn, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp rất tích cực hỗ trợ chúng tôi, thường xuyên hỏi han khó khăn DN để tháo gỡ; xuống tận vùng nguyên liệu khảo sát xem nông dân trồng ra sao, cần hỗ trợ vấn đề gì; cái gì trong tầm tay thì giải quyết ngay.
Tuy nhiên, cộng đồng DN mong muốn sự đồng hành của chính quyền các địa phương phải duy trì thường xuyên, kéo dài chứ không phải mang tính thời điểm, không phải làm để báo cáo thành tích.
TS HOÀNG VIỆT HÀ, Giám đốc điều hành Tập đoàn FPT:
Mong Chính phủ hành động nhanh hơn nữa
Năm vừa qua là năm có nhiều sự kiện đối thoại, nhiều hoạt động, nhiều tuyên bố liên quan tới chủ trương và triển khai thực thi Chính phủ kiến tạo, giảm chi phí hoạt động cho DN. Tuy vậy, các vấn đề nêu lên thì chỉ một số nhỏ được giải quyết, việc triển khai thực thi còn chậm, còn vướng nhiều vấn đề giữa các bộ, ngành với nhau.
Tôi lấy ví dụ việc FPT đại diện đề nghị cắt giảm thủ tục liên quan tới xuất nhập khẩu hàng điện thoại, máy tính; mỗi lần nhập lại một lần xin giấy phép nhập khẩu. Một năm nhập 4.000 lần thì 4.000 cái giấy phép, mỗi cái mất hai tuần gây tốn kém khủng khiếp cho DN về chi phí và tồn kho nhưng vẫn chưa thấy có sự thay đổi gì.
Nhiều vấn đề nêu ra bỏ đó chưa được giải quyết. Tiến độ giải quyết các vấn đề đến đâu cũng không được thông báo. Nói chung các bức xúc “được mở” nhưng mãi vẫn chưa “được đóng”.
Do đó, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ hành động và hành động nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.
Ông ĐỖ LONG, Tổng Giám đốc Công ty BITA’S:
Chưa kịp lớn đã già
Có lẽ Việt Nam là một trong những nước có nhiều luật lệ về quản lý kinh tế nhất thế giới. Trong đó nhiều luật lệ trói buộc nhau, chồng chéo lên nhau, kìm hãm sự phát triển và được ban hành theo kiểu “nếu quản không được thì cấm”. Nhiều quy định không phải tạo điều kiện cho DN làm ăn mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý.
Trong bức tranh kinh tế còn “tranh tối tranh sáng”, các DN làm ăn chân chính nhiều khi chịu nhiều thiệt thòi nhất. Họ bị kiểm soát, kiểm tra đủ kiểu, nhất là bị trói buộc bởi nhiều tầng cấp quản lý, nhiều loại giấy phép. Họ khó mà lớn kịp, cho nên nhiều ông chủ DN than rằng “chưa kịp lớn thì đã già” hoặc không lớn nổi.
Do đó, hãy trả lại một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các DN làm ăn chân chính. Ví dụ với những kiến nghị hợp tình hợp lý, có lợi cho DN lẫn đất nước thì cần phải có cơ chế giải quyết ngay chứ không chờ xin ý kiến hết bộ, ngành này đến bộ, ngành kia, tức là chỉ cần thông qua một đầu mối do Chính phủ chỉ định.
Đầu kéo quan trọngThông tin tại cuộc tọa đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với một số tập đoàn kinh tế tư nhân diễn ra ngày 30-9 cho biết kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Những cỗ máy tăng trưởng ở mọi tỉnh, TP với tiềm năng, thế mạnh riêng, chủ yếu từ kinh tế tư nhân. Từ năm 2010 trở lại đây, kinh tế tư nhân đóng góp trên 43% GDP trong khi tỉ lệ này của khu vực kinh tế nhà nước là khoảng 28,9%. Một nghiên cứu cũng chỉ ra: Với một đơn vị vốn bổ sung thì khu vực tư nhân Việt Nam đang tạo ra doanh thu nhiều gấp ba lần so với doanh nghiệp nhà nước. Điều này thể hiện chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực tư nhân. |
Ông VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Cần môi trường bình đẳng
15 năm trước, khi nghị quyết đầu tiên về kinh tế tư nhân được ban hành, kinh tế tư nhân đã lập tức khởi sắc. Cho đến nay tôi vẫn nghĩ và thực tế cho thấy: DN Việt Nam đại đa số hiện giờ là DNTN. Nên nếu nói DN Việt Nam chính là DNTN không có gì là quá. Bởi theo nguyên lý chung, việc kinh doanh, sản xuất là việc của người dân, của DNTN chứ không phải là của quốc doanh. Đây là một tư duy hiện đại.
DN Việt Nam trong ngày của mình 13-10 cần gì? Tôi nghĩ họ không chỉ cần hoa hồng, mà cái cần nhất là… “bánh mì”. Dĩ nhiên, không phải là chiếc bánh mì cụ thể mà chính là một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và bình đẳng.
Cụ thể nhất là DN cần Chính phủ bãi bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý đang đè nặng các DN, làm gia tăng chi phí kinh doanh theo đúng tinh thần “năm giảm phí cho DN” mà Thủ tướng đã đề cập lúc gặp cộng đồng kinh doanh tháng 5-2017.
Bởi lẽ nếu các điều kiện kinh doanh vô lý được bãi bỏ tới hơn 50% như Bộ Công Thương dự kiến thì chắc chắn Chính phủ sẽ tạo ra một động lực mới cho DNTN và nền kinh tế. Cuộc “cởi trói” mới sẽ bắt đầu và chắc chắn sẽ mang lại nhiều thành tựu to lớn khác, quốc gia sẽ ngày càng thịnh vượng.
Nhổ neo ra khơi, bỏ cách làm ăn cũChìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân. DNTN hãy tháo dây, nhổ neo ra khơi để đến bến đỗ an toàn và để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió. Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. DNTN phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên 50%-60% GDP. DN cần mạnh dạn hợp tác quốc tế hơn nữa, tránh tình trạng tự ti về kinh nghiệm, về quy mô nguồn vốn mà không dám hợp tác cởi mở, công bằng với các công ty toàn cầu ở các phương diện như mua bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân |
Nikkei: Việt Nam giảm thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Bộ Công thương Việt Nam lên kế hoạch giảm bớt một nửa các yêu cầu về giấy tờ kinh doanh và đầu tư trong nỗ ... |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/