Doanh nghiệp ô tô nội - ngoại 'bất đồng' về điều kiện kinh doanh ô tô
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Việt Nam là nước đang phát triển với chủ trương thống nhất là hội nhập sâu rộng trong khu vực và quốc tế, tuân thủ quy định của Luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần có bước đi của mình, do vậy, bên cạnh việc tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu ô tô vào, Việt Nam cũng cần đảm bảo nền sản xuất tự chủ.
Toàn cảnh hội nghị đối thoại.
Không xin ưu đãi nhưng cần phải công bằng
Tại cuộc họp, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội xuất nhập khẩu ô tô đưa ra ý kiến, kiến nghị liên quan đến Nghị định số 116 và Thông tư 03 của Bộ GTVT.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco - Trường Hải cho rằng: Quy định về bản sao giấy chứng nhận thể loại cho xe nhập khẩu là cho cả sản xuất trong nước nữa vì Thaco cũng phải xuất trình cho nước ngoài và điều này có từ 2016. "Không dám nói ở các nước nhưng theo tôi hiểu, ở Châu Âu có quy định này vì mẫu bản của MBW và Mini cung cấp có mẫu chung của Châu Âu", ông Dương nói.
Chủ tịch Thaco ví dụ: Từ tháng 8/2017, Trường Hải nhận được thư ngỏ của BMW thì đến tháng 11/2017 chúng tôi mới được nhận là nhà phân phối. Từ đó đến nay đã nhận được chứng nhận kiểu loại BMW cung cấp cho các mẫu xe của mình đưa về, trong đó có xe Mini của Anh.
Ông này cho rằng: Tác dụng của giấy chứng nhận chủng loại này như lý lịch của 1 chiếc xe, nói về công nghệ và các tính năng của xe, được chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền chứ không phải là nói bằng phương thức marketing của các hãng.
Ông Dương nói: "Một chiếc xe nhập về chưa có đủ điều kiện để thử nghiệm, kiểm định. Như chúng tôi xuất xe bus sang Đài Loan, chúng tôi phải đưa xe sang họ kiểm định trong 45 ngày, sau đó đạt điều kiện mới cho nhập về và vẫn tiếp tục kiểm tra trên từng lô xe nữa."
"Vậy thì nếu bỏ chứng nhận kiểu loại thì cần có trung tâm kiểm định đủ thẩm quyền như thế này. Vậy không cần loại bỏ quy định chứng nhận tiểu loại này mà nên chăng chỉ cần rà soát lại để thống nhất có một mẫu chứng nhận tiểu loại của Việt Nam cho phù hợp", ông Dương nêu ý kiến.
Về quy định thử theo lô, ông Dương cho rằng: "Hiện 1 động cơ của Việt Nam mới áp dụng EURO 4, so với 1 động cơ không đạt thì chênh lệch không nhỏ và để đạt EURO 4 thì không đơn giản. Các xe kiểm định thì đạt nhưng khi sản xuất ở bên kia đưa về thì lại không đạt. Vậy nên ta phải kiểm định khí thải".
Ông Dương khẳng định: "Hiện nhiều DN trong nước đã chuyển từ chiến lược sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sang thành nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài. Với sự tự trọng của tôi, tôi khẳng định không xin ưu đãi một cái gì cho DN sản xuất trong nước mà chỉ xin được làm giống nhau. Hiện phụ tùng liên quan đến chứng nhận chất lượng thì cũng tôi cũng phải có chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài thậm chí đăng kiểm đi theo chúng tôi tới từng đơn vị sản xuất thiết bị mà chúng tôi nhập về để làm", ông Dương nói.
Tại cuộc họp, ông Lê Ngọc Đức - Tổng Giám đốc của Tập đoàn Thành công cho rằng: Chúng tôi cũng nhận thức đất nước 100 triệu dân phải có nền công nghiệp ô tô trong nước. Giấy chứng nhận kiểu loại là tất cả thông số về 1 cái xe để đảm bảo an toàn vận hành, hoạt động.
"Ở Việt Nam, xe ô tô còn là 1 loại tài sản lớn với người dân, là phương tiện tham gia giao thông. Nếu không có giấy chứng nhận tiểu loại hoàn toàn có thể đưa xe đến các trung tâm thử nghiệm quốc tế và khi đó xe đưa về Việt Nam, Cục đăng kiểm mới có căn cứ đánh giá xem xe có hồ sơ đó với với xe đưa ra kiểm nghiệm có đúng là 1 hay không", ông Đức nói.
Thử nghiệm theo từng lô, theo ông Đức đây là điều cần thiết bởi các thương hiệu lớn, như Volkswagen cũng vẫn phát hiện sai phạm, gian lận. Vậy nên nếu chỉ kiểm nghiệm lô đầu tiên thì lấy gì đảm bảo những lô sau đó vẫn đảm bảo trong khi chúng tôi là nhà sản xuất trong nước thì cái nào cũng phải kiểm nghiệm cả, kiểm nghiệm cả từ thiết bị nhập về, từ cái la-răng cho tới khi hoàn thiện cả cái xe.
Có sự phân biệt doanh nghiệp trong nước và nhập khẩu!?
Về phía liên doanh vừa sản xuất ô tô và nhập khẩu xe hơi Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 116 gây khó dễ cho họ. Tuy nhiên, dường như những lý do đều khá chung chung.
Phía doanh nghiệp Mỹ cho biết: Quy định của Chính phủ cần rõ ràng thống nhất để các nhà sản xuất ô tô nước ngoài biết cái mà họ cần thực hiện. Có 1 số quy định trong Nghị định gây ra khác biệt giữa nhà sản xuất ô tô và nhập khẩu ô tô trong nước.
"Chúng tôi đề nghị tạm hoãn Nghị định 116 để xem xét lại sao cho rõ ràng hơn, Chính phủ cũng giải thích rõ hơn nghị định này cũng như Thông tư 03 để chúng tôi cân nhắc việc xuất khẩu ô tô sang Việt Nam", đại diện phía doanh nghiệp Mỹ cho biết.
Theo ông Toru Kinoshita - Tổng giám đốc Toyota Việt Nam: Một số quy định hành chính trong Nghị định 116 không phù hợp vì nó làm gián đoạn và gần như ngưng hoạt động nhập khẩu ô tô từ các nước và những lượng ô tô dung lượng nhỏ hầu như không sản xuất được trong nước thì cũng không nhập khẩu được, làm ảnh hưởng nền kinh tế.
Ông này cho rằng: "Quy định của Nghị định 116 giúp làm tăng chi phí và thời gian thông quan làm thời gian xe nhập về và đến tay khách hàng chậm hơn, phải chờ đợi thêm. "Quy định tạo ra sự phân biệt và chênh lệch giữa sản xuất ô tô trong nước và bên ngoài".
Ông Phạm Văn Dũng - Tổng Giám đốc Ford Việt Nam nói: Quy định chứng nhận tiểu loại không phù hợp thông lệ quốc tế vì thông thường cái này được thực hiện tại nước sở tại, theo yêu cầu của nước đó nên nước đó phải đứng ra đánh giá, chứng nhận theo tiêu chuẩn của mình.
"Hiện Ford đã có chứng nhận tiểu loại cho xe của Mỹ, DN tự chứng nhận tiểu loại. Chứng nhận tiêu chuẩn khí thải thì không cấp cho xe về Việt Nam vì Việt Nam tuân theo tiêu chuẩn khí thải của EU chứ không phải Mỹ. Vậy nên dù có lấy được chứng nhận này thì cũng rất khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều cho DN. Xe của Mỹ đang là tiêu chuẩn EURO 5", ông Dũng cho biết.