|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ lo phá sản 
vì Bộ Công thương

14:45 | 29/08/2016
Chia sẻ
Hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phá sản vì nghị định 19/2016 do Bộ Công thương soạn thảo, đưa ra những yêu cầu “khủng” về kinh doanh khí.

Các chuyên gia cho rằng quy định này có thể loại hết doanh nghiệp nhỏ, dành thị trường cho doanh nghiệp lớn.

Nghị định vừa có hiệu lực, hơn 30 doanh nghiệp kinh doanh gas đã phải gửi đơn thư đề nghị gỡ quy định và chờ đợi. Thậm chí có doanh nhân bày tỏ quyết tâm sẽ về tận Hà Nội căng băngrôn yêu cầu sửa lại nghị định.

Yêu cầu “kinh khủng”

Đã bỏ vốn đầu tư tới hơn 30 tỉ đồng vào khu sang chiết gas và đang làm ăn thuận lợi, song Công ty TNHH TM-DV Tiến Phát có trụ sở tại Quảng Ngãi lại đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Kim Phượng, giám đốc Công ty Tiến Phát, cho biết theo quy định của nghị định 19/2016 về quản lý kinh doanh khí, các thương nhân muốn tham gia phân phối khí phải có bồn chứa tối thiểu 300m3 và sở hữu ít nhất 100.000 vỏ bình gas, 20 đại lý.

Đây là “điều kiện hết sức vô lý, vượt quá khả năng của doanh nghiệp” - bà Phượng nói. Bà Phượng phân tích muốn đáp ứng yêu cầu trên, Tiến Phát sẽ phải bỏ ra ít nhất 50 tỉ đồng, cộng thêm vốn lưu động thì cần ngót nghét 70-80 tỉ đồng.

Quy định vô lý ở chỗ không cần tính đến nhu cầu bởi theo bà Phượng, thị trường đã gần như bão hòa, khả năng tiêu thụ chỉ có vậy, Nhà nước buộc mua về hàng trăm nghìn vỏ bình thì doanh nghiệp không biết để làm gì...

Ông Âu Dương Tỉ, giám đốc Công ty CP Xây lắp Cao Bằng, thẳng thắn: điều kiện kinh doanh trong nghị định 19/2016 dẫn tới việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường, gián tiếp vi phạm quy định của Luật cạnh tranh 2004 khi có thể tạo ra nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Đã có hệ thống chiết nạp với quy mô trên 20 tỉ đồng, ông Tỉ nêu đã điều tra thị trường tại Cao Bằng, kết quả chỉ có khoảng 45% người dân sử dụng gas, tương đương số vỏ bình tối đa cần là 38.000 vỏ bình. Như vậy, theo quy định, dù không có nhu cầu nhưng doanh nghiệp phải đầu tư thêm 50.000 - 60.000 vỏ bình để được kinh doanh.

“Yêu cầu quá kinh khủng, doanh nghiệp không sống nổi, hàng ngàn lao động có thể bị ảnh hưởng"

Một lãnh đạo doanh nghiệp nói

Quy định không những khiến doanh nghiệp phải vay mượn ngân hàng mà theo ông Tỉ, phải đầu tư chỗ để... cất số lượng vỏ bình không dùng đến. Trước nguy cơ bị đóng cửa, một nhóm gần 20 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh gas ở nhiều tỉnh thành đã phải trực tiếp về Hà Nội kiến nghị sửa nghị định 19/2016.

Cần sửa ngay quy định cứng nhắc

Ông Nguyễn Minh Đức, ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN, thể hiện sự không đồng tình với các điều kiện tại nghị định 19/2016 và kể lại câu chuyện rất cay đắng của một doanh nghiệp nhỏ vừa chia sẻ với ông. Cách đây 4-5 năm, công ty của vị này được một doanh nghiệp lớn trả giá đến gần 20 tỉ đồng. Tuy nhiên vì muốn tự làm ăn, phần lớn công nhân là người quen, nên ông đã không bán.

Thế nhưng sau khi có nghị định 19 thì doanh nghiệp nhỏ của ông chỉ được chào mua với giá... 5 tỉ đồng. Câu hỏi được đặt ra là liệu có tình trạng các doanh nghiệp lớn đang ra sức vận động để độc chiếm thị trường, giành lấy thị phần hay không? Bởi cách dễ nhất khi giành thị trường là vận động chính sách, tạo ra rào cản thật cao để doanh nghiệp nhỏ bị loại ra khỏi cuộc chơi và thị trường chỉ nằm trong tay một số ông lớn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Minh Loan - phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN, cũng là chủ tịch Công ty CP Tập đoàn dầu khí Anpha - cho rằng chuyện mua bán, sáp nhập là bình thường và giá trị của doanh nghiệp do thị trường quyết định. Tuy nhiên, vị này thừa nhận quy định mà nghị định 19 đặt ra là không phù hợp. Kinh doanh khí liên quan đến an toàn cháy nổ, tài sản và tính mạng của con người, nên đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết.

Tuy nhiên, an toàn cháy nổ lại không liên quan đến nhiều hay ít bình, kho to hay bé. Ngoài ra, thị trường miền núi khác vùng thành thị, nếu xoay vòng nhanh thì không nhất thiết phải có nhiều vỏ bình, kho lớn. Sẽ rất lãng phí nếu buộc doanh nghiệp phải đầu tư. “Vì vậy cần bỏ những quy định cứng nhắc về số lượng vỏ bình, dung lượng kho để đặt ra những yêu cầu liên quan đến an toàn cháy nổ” - ông 
Loan nêu quan điểm.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Võ Văn Quyền - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương - xác nhận bộ đã nhận được phản hồi của nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas về nghị định 19/2016 kèm những kiến nghị liên quan cụ thể đến yêu cầu về quy mô, số lượng. Và dù nghị định mới ban hành từ tháng 3-2016 nhưng ông Quyền tiết lộ theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, hiện Bộ Công thương đã giao cho Vụ Pháp chế của bộ rà soát lại nghị định 19/2016 để từ đó kiến nghị, điều chỉnh phù hợp theo tinh thần tạo thuận lợi, tháo gỡ khó 
khăn cho doanh nghiệp.

Là phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN, ông Trần Minh Loan cảnh báo ở nhiều tỉnh tỉ lệ cửa hàng gas không đảm bảo điều kiện lên tới 30-40%, đặc biệt là không có trang thiết bị chữa cháy, không có kiến thức về gas nhưng vẫn giao hàng. Do đó quản lý cần tập trung và có biện pháp hiệu quả, khả thi để thay đổi tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm, cạnh tranh giá rẻ mà không lo đầu 
tư an toàn cháy nổ...

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Sẽ sửa nghị định

Tôi đã yêu cầu đơn vị chức năng của bộ nghiên cứu để đề xuất sửa nghị định 19/2016. Điều này là theo đúng tinh thần các chính sách phải đảm bảo sát và phù hợp với yêu cầu cuộc sống.

Về xem xét trách nhiệm cán bộ, trước mắt sẽ tập trung sửa quy định, sau đó tập trung xử lý theo đúng tinh thần tái cơ cấu Bộ Công thương, đó là xây dựng bộ máy theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, cán bộ phải theo tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng chính sách kịp thời và phải phù hợp với thực tiễn.

Theo Ngọc An - Anh Đức

Tuổi trẻ