|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp ngoại 'chê' BOT, PPP tại Việt Nam vì rủi ro lớn

07:14 | 26/06/2017
Chia sẻ
Việt Nam đang khuyến khích đầu tư hình thức hợp tác công tư (PPP) tại các dự án cơ sở hạ tầng với việc đưa ra hàng loạt ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chủ yếu vẫn chỉ doanh nghiệp (DN) và ngân hàng trong nước tham dự. Các DN ngoại, có tài chính, có kinh nghiệm vẫn đứng ngoài cuộc chơi lợi nhuận này.

Giải thích về việc tại sao các doanh nghiệp ngoại lại chê cơ chế dự án BOT, BT (thuộc PPP), Nhóm công tác hạ tầng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã chỉ rõ những nguyên nhân cơ bản khiến họ không mặn mà, không sốt sắng.

Phân bổ rủi ro vẫn chưa rõ ràng

Các phân tích của VBF chỉ rõ, PPP trong xây dựng cơ sở hạ tầng Việt Nam có trở ngại lớn bởi vấn đề thanh toán của các dự án.

doanh nghiep ngoai che bot ppp tai viet nam vi rui ro lon
Đầu tư các dự án cao tốc, đường bộ tại Việt Nam đang rất mong vốn từ nước ngoài, song thực tế các nhà đầu tư lại sợ hãi (ảnh minh hoạ).

Theo VBF, dù Chính phủ cho phép việc chuyển đổi tiền ngoại tệ sang tiền đồng và ngược lại để đầu tư các dự án và tiền thu hồi vốn của dự án; nhưng ở những dự án có yếu tố nước ngoài, suất đền bù và thi công vẫn cao, trong khi đó số tiền thu hồi vốn (bán vé) ở các dự án mới lại chỉ bằng so với các dự án cải tạo. Điều này là bất hợp lý.

Ngoài ra, còn một loạt vấn đề liên quan đến thực thi các quy định của pháp luật về PPP như việc thế chấp quyền sử dụng đất cho bên cho vay nước ngoài; các quy trình phê duyệt, thu hồi đất và bồi thường cho dự án PPP khá phức tạp. Sự không chắc chắn trong việc áp dụng luật nước ngoài trong hợp đồng mà tất cả các bên là pháp nhân Việt Nam phải tuân thủ... cũng khiến các DN ngoại lo sợ.

Về phân bổ rủi ro giữa Chính phủ và khu vực tư nhân ở dự án PPP, nhóm công tác của VBF cho rằng: Rủi ro cần được phân bổ cho bên có khả năng tốt nhất để quản lý các rủi ro đó.

"Điều quan trọng đối với các nhà đầu tư là Việt Nam cần xây dựng một cơ chế phân bổ rủi ro nhất quán và thống nhất giữa các lĩnh vực đầu tư khác nhau. Qua phân bổ trách nhiệm rủi ro, nhà đầu tư mới có thể dự đoán được các rủi ro nào sẽ do Chính phủ chịu trách nhiệm, những rủi ro nào cho thị trường", VBF nêu.

Thực tế, các DN ngoại hiện nay rất lo sợ Việt Nam thay đổi chính sách liên quan đến đền bù mặt bằng, thu hồi vốn, giá tiền đồng, lãi suất... Điều này ảnh hưởng lớn đến suất đầu tư, chi phí dự án, thu hồi vốn chứ chưa nói đến lợi nhuận.

Hàng loạt kiến nghị để đổ vốn tỷ USD vào Việt Nam

Tổ chức của VBF nêu: "Nếu không có hướng dẫn rõ ràng về cơ chế phân bổ rủi ro, việc đàm phán các điều kiện hợp đồng của các tài liệu dự án chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian và trở nên phức tạp cho tất cả các bên".

Nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng của VBF đề xuất Chính phủ nên tập trung nguồn lực để thực hiện một số dự án tiêu biểu để chứng minh tính khả thi của mô hình đầu tư này.

"Các lĩnh vực khác nhau đòi hỏi các cơ chế hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính khác nhau. Chính phủ nên ban hành hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ của Chính phủ và cơ chế hỗ trợ bù đắp thiếu hụt tài chính trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ cho phép các nhà đầu tư và Nhà nước có thể thống nhất được với nhau về chương trình, mục tiêu, tiến độ đầu tư và huy động vốn cho các dự án", VBF kiến nghị.

Tổ chức này kêu gọi: Chính phủ nên xác định rõ ràng việc thực hiện thành công chương trình PPP chính là lợi ích của Chính phủ, do đó cần nhìn nhận các dự án từ cả các khía cạnh thương mại.

"Nhìn nhận dự án từ khía cạnh thương mại là bao gồm việc xây dựng các báo cáo nghiên cứu khả thi theo các tiêu chuẩn quốc tế; đưa ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tính minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư và có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng và minh bạch với các đối tác tư nhân", nhóm công tác hạ tầng VBF nhấn mạnh.

Theo các DN nước ngoài, mục đích của PPP là thu hút nguồn vốn từ các ngân hàng mà không phải bảo lãnh, và từ đó giảm thiểu gánh nặng tài chính của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu các dự án được thực hiện bởi các công ty trong nước sử dụng vốn vay từ các ngân hàng thương mại Nhà nước, thì mục tiêu trên sẽ không đạt được mà còn gây căng thẳng thêm.

An Linh