Doanh nghiệp liên quan đến Thai Beverage - vốn hơn 680 tỷ đồng đăng ký mua tối thiểu 25% vốn Sabeco
Reuters: Thai Beverage đang là ứng cử viên sáng giá nhất trong đợt bán vốn Sabeco | |
Công ty nước giải khát Thái Lan mua lại công ty tư vấn của Việt Nam |
Bộ Công Thương vừa ra thông báo đến thời điểm 18h ngày 11/12/2017, có 1 nhà đầu tư đăng ký mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB) đã thực hiện công bố thông tin là Công ty TNHH Vietnam Beverage.
Với mức giá khởi điểm 320.000 đồng/cp, ước tính để mua được 25% cổ phần đang lưu hành của Sabeco thì nhà đầu tư phải bỏ ra tối thiểu 51.302 tỷ đồng (tương đương 2,28 tỷ USD).
Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Sabeco là 10,41%, do đó nước ngoài có thể mua được thêm tối đa 38,59% vốn Sabeco, tương đương khoảng 247 triệu cổ phần.
Được biết, Công ty TNHH Vietnam Beverage mới chỉ được thành lập ngày 6/10/2017 hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý với chi tiết: Dịch vụ tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán). Địa chỉ trụ sở tại Tầng 2, Nhà số 10, ngõ 1, TT 16A Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trước đó, Công ty này vừa mới thay đổi con dấu từ pháp nhân tên là Công ty TNHH Nga Sơn Beverage.
Người đại diện theo pháp luật của Vietnam Beverage là bà Trần Kim Nga - Tổng Giám đốc, sinh năm 1961 (địa chỉ tại quận Phú Nhuận, TP HCM) và ông Michael Chye Hin Fah - Giám đốc Công ty, sinh năm 1959 (địa chỉ tại 32 Mount Sinai Avenue Singapore 277173).
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu thì ông Michael Chye Hin Fah là chủ của Công ty Cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam - doanh nghiệp đã được Thai Beverage (Thai Beverage Public Company Limited) đã mua lại 49% cổ phần với giá 98 triệu đồng (4.321 USD) vào cuối tháng 11 vừa qua.
Theo Reuters đưa tin, đây có thể được sử dụng như một phương tiện để chào giá cho Sabeco với tư cách một nhà đầu tư trong nước, tạo ra lợi thế hơn so với các đối thủ quốc tế. Tuy nhiên tại thời điểm đó, Thai Beverage chưa có phản hồi về thông tin này.
Được biết, vốn điều lệ của Công ty Đầu tư F&B Alliance Việt Nam là hơn 681,66 tỷ đồng, đây cũng chính là số vốn góp của ông Michael Chye Hin Fah tại Công ty Vietnam Beverage. Trong khi bà Nga chỉ góp có 100 triệu đồng. Như vậy, Vietnam Beverage đang thuộc sở hữu gần như tuyệt đối của ông Michael Chye Hin Fah và thuộc sở hữu giám tiếp của Thai Beverage.
Đáng chú ý, ông Michael Chye Hin Fah hiện đang là thành viên HĐQT của CTCP Sữa Việt nam (Vinamilk - Mã: VNM), đại diện phần vốn góp của F&N Dairy Investments Pte Ltd tại Vinamilk. Ông Micheal được bầu vào HĐQT Vinamilk tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017.
Ông Michael Chye Hin Fah (ngoài cùng bên trái) được bầu vào HĐQT Vinamilk tại ĐHĐCĐ thường niên 2017. |
Theo thông tin từ Bloomberg, ông Michael Chye Hin Fah đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc phụ trách đầu tư quản lý thương hiệu của Thai Beverage từ ngày 1/1/2017. Trước đó, ông là Trưởng phòng Văn phòng Tập đoàn và Giám đốc Điều hành của IMC Investments Group của IMC Pan Asia Alliance Pte Ltd từ tháng 4/2012. Với năng lực này, ông giám sát sự phát triển chiến lược của IMC Investments và cũng chịu trách nhiệm cho các mảng hoạt động khác nhau của Tập đoàn.
Ông có hơn 25 năm kinh nghiệm về Kế toán, Tài chính và Đầu tư tại Châu Á. Trước khi gia nhập IMC, ông đã từng là Giám đốc tài chính tại International Beverages, là chi nhánh quốc tế của Thai Beverages được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore…
Theo quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco quy định: "Nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai theo Luật Chứng khoán phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức Chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước khi thực hiện 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua".
Bia Sài Gòn tiên phong tại thị trường bia Việt Nam với lịch sử 142 năm, và được xem là một trong những hàng bia lâu đời nhất trên thế giới. Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Sabeco Nguyễn Thành Nam, cuộc chiến bia tại Việt Nam là cuộc chiến khốc liệt nhất, “Chúng tôi giành giật nhau thị phần từng tháng, từng quý và từng vùng”.
Ông Nam nêu đơn cử những vùng chiến lược như phía Bắc, Bia Hà Nội (Habeco) sẽ chiếm 54%, Sabeco chỉ chiếm 21% và đang cố gắng để chiếm 30%. Khu vực miền Trung, Sabeco chiếm khoảng 40%, Heiniken 40% và các bia địa phương 14%. Miền Tây, Sabeco chiếm 53% và Tiger (VBL) là 43% và các đối thủ khác 4%.
Năm 2016 với xu hướng thị trường bia thế giới nói chung và khu vực châu Á nói riêng có dấu hiệu chững lại trong khi thị trường bia Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển ổn định và là thị trường duy nhất tăng trưởng 15 năm liên tiếp, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm ngoái với 20,1%.
Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu, kinh tế Việt Nam thuộc nhóm phát triển nhanh, thu nhập đầu người ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số trẻ chiếm 60%. Đây là những nhân tố thuận lợi giúp thị trường bia Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong những năm tới, qua đó thu hút sự tham gia của nhiều hãng bia hàng đầu thế giới.