|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp FDI vẫn trì hoãn chuyển giao công nghệ

22:15 | 23/11/2016
Chia sẻ
Theo các chuyên gia kinh tế, sau hơn 2 thập kỷ đổi mới, VN mới thực hiện mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu vào, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên không tái tạo. Các bất ổn vĩ mô và lạm phát cho thấy nền kinh tế cần phải chuyển sang mô hình tăng trưởng bền vững, dựa vào chất lượng và hiệu quả. Trong đó, việc xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ là một trong những giải pháp có hiệu quả.
doanh nghiep fdi van tri hoan chuyen giao cong nghe
Ảnh minh họa

Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên, công nghệ là một trong những lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư 2014. Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới được lựa chọn áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo theo quy định của pháp luật thuế TNDN; DN cũng được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, mua máy móc thiết bị, nguyên liệu, vật tư sản xuất theo quy định của Luật thuế xuất nhập khẩu… Bên cạnh đó, tỉnh cũng có những chính sách ưu đãi riêng cho các DN như hỗ trợ tiền thuê đất dự án, đất xây nhà tập thể cho công nhân, hỗ trợ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo điều kiện vay vốn, giảm thiểu thủ tục hành chính…

Chính vì vậy, hiện nay, nhiều Tập đoàn, Cty, DN trên địa bàn đã và đang vận hành công nghệ cao. Bên cạnh đó, cũng có nhiều DN nhận chuyển giao công nghệ, thiết bị hiện đại như: dây chuyền sản xuất của Nhà máy Xi măng Quang Sơn được hình thành từ chuyển giao công nghệ của Pháp, Đức theo tiêu chuẩn G7, Nhà máy Nhiệt điện An Khánh nhận chuyển giao công nghệ Trung Quốc…

“Không nên trông chờ vào các doanh nghiệp FDI”

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ KHCN) thừa nhận vẫn diễn ra tình trạng các DN nước ngoài (FDI) không chuyển giao công nghệ sau thời hạn ký kết. Trong đó, có nguyên nhân xuất phát từ khả năng hấp thụ công nghệ của VN. “Muốn hấp thụ được công nghệ từ nước ngoài, chúng ta phải có một nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và am hiểu về công nghệ mà các DN FDI đầu tư. Thứ hai là phải có một hạ tầng đủ tầm để tiếp nhận được các kết quả công nghệ mà các DN FDI mang vào VN. Với cả hai lĩnh vực này, chúng tôi vẫn luôn cố gắng tăng cường năng lực tiếp nhận, kết nối cung - cầu công nghệ có tiềm năng vào VN, đồng thời thiết lập hệ thống kết nối online để hỗ trợ cộng đồng DN”.

Nhìn nhận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho biết, DN FDI không phải cứ vào VN là sẽ chuyển giao CN cho VN. Thực tế thời gian qua, tại các khu công nghiệp, chỉ có rất ít DN thực hiện nghiêm túc. “Các DN FDI coi việc vào VN là một phương án sản xuất kinh doanh và có lợi nên họ giữ công nghệ riêng của mình và không chuyển giao cho VN. Bới nếu như chuyển giao thì họ lo ngại sẽ không còn điều kiện để phát triển nữa. Theo tôi nhìn nhận, các DN FDI đang sử dụng các ưu đãi về đất đai, vị trí, nhân công lao động giá rẻ để phát triển và không có ý định chuyển giao nhiều” - ông Tùng đánh giá.

Chính vì vậy, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng: “Bản thân các DN VN cần chủ đồng tìm kiếm công nghệ của riêng mình, có thể chuyển giao ở nước ngoài, có thể nghiên cứu trong nước, kết hợp với các nhà khoa học để làm sao hấp thụ công nghệ tốt, phù hợp với hoạt động của mình. Không nên trông chờ và ý lại vào các DN nước ngoài mang CN của mình để chuyển giao cho VN”.

Ông Nhữ Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, trọng tâm trong thời gian tới là thực hiện Quy định về trình độ công nghệ dự án FDI, tăng tỷ trọng đầu tư nước ngoài như đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp và nông thôn, điện, nước, tài chính, tín dụng, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng; các ngành sản xuất có yếu tố hàm lượng công nghệ, đào tạo lao động và chuyển giao công nghệ, kỹ năng, hoạt động R&D. Không tiếp nhận hoặc hạn chế tối đa những dự án FDI sử dụng công nghệ thấp, có khả năng tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, sinh thái.

Đ.Linh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.