Doanh nghiệp Đà nẵng cầu cứu Thủ tướng vì bị thu hồi đất quốc phòng đột ngột
Sáng 27/9, Sư đoàn 372 (đóng tại Đà Nẵng) tổ chức hội nghị triển khai thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thực hiện thanh lý các hợp đồng của các đối tác sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kinh tế tại vành đai phía Tây sân bay Quốc tế Đà Nẵng, với sự tham dự của hơn 10 doanh nghiệp thuê đất quốc phòng tại đây.
Ông Nguyễn Trọng Khải (đứng) cùng các đại diện doanh nghiệp phản ánh vụ việc với báo chí.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sư đoàn 372 khẳng định sẽ thực hiện thanh lý hợp đồng với các doanh nghiệp theo quyết định của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Theo đó, trong ngày 27 và 28-9, sẽ ký kết các văn bản thanh lý hợp đồng thuê đất của các doanh nghiệp. Từ ngày 29-9 đến 6-10, các doanh nghiệp phải tổ chức tháo dỡ, di dời tài sản, nhà xưởng, phương tiện và bàn giao đất quốc phòng cho Sư đoàn 372.
Sau khi nghe thông báo, hơn 10 doanh nghiệp đều có ý kiến phản đối việc thanh lý hợp đồng đột ngột mà không có lộ trình.
Bà Phạm Thị Thanh Hà, đại diện Công ty CP Xây lắp công trình 512, cho rằng chỉ trong khoảng thời gian ngắn, từ ngày 16-9, phía quốc phòng mới tiến hành kiểm tra rà soát lại đất cho doanh nghiệp thuê và tất cả doanh nghiệp đều thực hiện đúng quy định với hợp đồng thuê đất của Sư đoàn 372. Như vậy, mới chỉ hơn 10 ngày mà Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân quyết định chấm dứt hợp đồng thu hồi đất thì không khác gì ép doanh nghiệp đến bờ phá sản và kéo theo gần 1.000 lao động mất việc làm.
"Nếu chúng tôi vi phạm hợp đồng thì chấp nhận, đằng này làm đúng hợp đồng mà vẫn bị thu hồi đất đột ngột, không có lộ trình thì chỉ có phá sản mà thôi" - bà Lương Thị Ngân, đại diện Doanh nghiệp Lương Thị Ngân, bày tỏ.
Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và chuyển giao công nghệ K&H, cho rằng công ty ông với hơn 300 lao động đã đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng nhà xưởng và hoạt động hơn 2 năm, đến tháng 6-2018 mới hết hợp đồng. Vì vậy, quyết định thanh lý hợp đồng thu hồi lại đất đột ngột thì công ty ông không tài nào xoay xở tìm đất để xây dựng lại nhà xưởng, kéo theo hơn 300 lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn người. Ông Khải cho biết trong khi nhiều doanh nghiệp thuê đất quốc phòng cũng ở vành đai phía Tây sân bay Quốc tế Đà Nẵng nhưng ký kết hợp đồng với Sư đoàn 375 thì vẫn tiếp tục hoạt động, không bị thu hồi, điều này sẽ dẫn đến tình trạng không công bằng.
Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp, lãnh đạo Sư đoàn 372 cho rằng sư đoàn cũng chỉ làm theo lệnh của cấp trên là Quân chủng Phòng không - Không quân nên không có quyền quyết định.
Kết thúc hội nghị, không còn cách nào khác, hơn 10 doanh nghiệp bị thu hồi đất tiếp tục ký vào đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cùng lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng.
Trong đơn có nêu: "Nếu việc thu hồi đất được thực thi thì các doanh nghiệp gặp quá nhiều khó khăn dẫn đến nợ đọng, lâm vào tình trạng phá sản, khiến hàng ngàn người lao động thất nghiệp. Vì vậy, kính mong cứu xét để các doanh nghiệp tiếp tục được thuê đất sản xuất hoặc giãn thời gian thanh lý hợp đồng theo lộ trình nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian di dời".
Nhà nước thu hồi đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất được hoàn trả thế nào? Chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2017, Thông tư 80/2017/TT-BTC hướng dẫn việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, ... |