Doanh nghiệp cần tạo niềm tin khi xét hồ sơ vay vốn tín dụng
Ngày 20/4/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng”.
Toàn cảnh Hội thảo "Cải cách thủ tục hành chính cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng”. (Ảnh: Chung Thủy) |
Theo Báo cáo mới nhất về môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới (WB), chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể và ổn định, nằm trong nhóm 30 nước có chỉ số cao nhất.
Tại báo cáo năm 2018, Việt Nam xếp hạng 29/190 nước, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. So với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm, cải thiện 3 bậc và là chỉ số cao thứ 2 trong 10 chỉ số của Việt Nam trong báo cáo. Cùng với 5 chỉ số tăng bậc khác, chỉ số Tiếp cận tín dụng đã giúp cho xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, đứng vị trí 68/190.
Theo TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kết quả về chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là tích cực, đáng mừng, song nhìn rộng và sâu hơn vẫn còn không ít trăn trở, lo âu.
Ông Thành phân tích, điểm số tiếp cận tín dụng 75 là khá tốt song vẫn còn xa so với chuẩn 100 điểm. Con số này thấp hơn mức trung bình cả khu vực OECD, Đông Á-Thái Bình Dương và thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ số tiếp cận tín dụng có vẻ khả thi nhưng song song với đó là những rào cản cố hữu trong tiếp cận tín dụng ở Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp, nhất là DNNVV gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng mà nguyên nhân chủ yếu là do những vấn đề nội tại của chính doanh nghiệp như: năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện vay vốn nhưng chưa có nhu cầu vay vốn do còn gặp khó khăn về thị trường. Bên cạnh đó, cơ cấu tài sản thế chấp được yêu cầu trong hồ sơ vay vẫn là nhà, đất, máy móc thiết bị. Chi phí lót tay, quà tặng, chi phí trả lãi cao. Ngoài ra, quá trình xử lý các hồ sơ vay vẫn có sự phân biệt đối xử giữa DNNVV và các doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước.
Trước hàng loạt những khó khăn như vậy, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, ngoài những giải pháp mà ngành ngân hàng đã và đang triển khai, bản thân doanh nghiệp cần tái cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng.
Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ như: tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch phát triển DNNVV; tăng cường năng lực cho các đơn vị thực hiện trợ giúp phát triển loại hình DNNVV; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: thuế, đất đai, đầu tư xây dựng… thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh…