DN cà phê, thủy sản… điềm tĩnh trước kết quả bầu cử tống thống Mỹ
14h chiều ngày 9.11, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) vẫn cập nhật liên tục tình hình bầu cử tổng thống tại Mỹ. Khi kết quả có phần nghiêng về phía ứng cử viên Donal Trump, ông Lĩnh vẫn tỏ ra rất điềm tĩnh.
Theo đó, vị doanh nhân này cho rằng, dù ứng cử viên của Đảng Dân Chủ hay Đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc đua vào nhà Trắng thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với hàng loạt những rào cản về thương mại, kỹ thuật trong giao thương với Mỹ như nhiều năm qua.
Đó là yêu cầu của thị trường, của người tiêu dùng chứ không hẳn chỉ là chính sách điều hành của một vị tổng thống.
Ông Lĩnh cho ví dụ, trong những năm qua, dưới thời của Tổng thống Obama, nhiều hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Mỹ đã được ký kết, đẩy mạnh, trong đó điểm nhấn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá ở mức cao, phải đối đầu với Chương trình giám sát cá da trơn theo quy định của đạo Luật Nông nghiệp 2014 (Farm Bill)…
Chưa hết, những yêu cầu về chất lượng ngày càng cao, cạnh tranh với các nguồn cung cấp khác từ Thái Lan, Ấn Độ… ngày càng khắt nghiệp khiến doanh nghiệp Việt Nam phải liên tục thay đổi và mạnh mẽ hơn.
“Có thể vì thế mà nhiều doanh nghiệp Việt giờ đã rất bài bản khi đưa hàng vào thị trường Mỹ. Hơn nữa, Mỹ cũng cần nhập khẩu nông sản cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, đó là nhu cầu của thị trường chứ không hẳn chỉ là chính sách của một vị tổng thống”, ông Lĩnh tự tin.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê – tiêu tại Bình Phước (xin không nêu tên) cũng khá tự tin dù kết quả bầu cử tổng thống Mỹ có ra sao. Vị này cho rằng, dù Donal Trump hay bà Hillary Clinton trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thì quốc gia này vẫn còn có Thượng viện, Hạ viện tham gia trong điều hành các chính sách chung.
“Tổng thống có thể sẽ tạo ra những biến động trong một khoảng thời gian nhất định sau bầu cử, tuy nhiên, nên kinh tế thị trường rồi cũng sẽ sớm trở về với guồng quay của nó. Nền kinh tế hiện nay được điều khiển bởi lý thuyết về bàn tay vô hình, bởi cung cầu của các bên nữa”, vị này khẳng định.
Không chỉ vậy, dù là thị trường lớn của nông sản Việt Nam nhưng những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm khách hàng mới. Với phương châm “không bỏ trứng vào một giỏ”, nhiều doanh nghiệp đã có thêm những khách hàng mới từ Châu Âu, Trung Đông…
Đối với xuất khẩu thủy sản, Mỹ hiện là thị trường chính của tôm, cá tra Việt Nam. Đặc biệt, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23% tổng XK tôm Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 520,2 triệu USD; tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, 9 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ chỉ giảm nhẹ 1,5% duy nhất trong tháng 6; các tháng còn lại đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2015. Kể từ tháng 4/2016, XK tôm sang Mỹ liên tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước đó. Giá trị xuất khẩu trong tháng 9/2016 đạt cao nhất từ đầu năm với gần 85 triệu USD, tăng 9,4% so với tháng 9/2015.
Ngoài ra, Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu quan trọng của nhiều nông sản khác như cà phê, tiêu, điều… Hằng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 230.000 tấn cà phê, trị giá khoảng 500 triệu USD vào Mỹ. Việt Nam cũng xuất khẩu khoảng 80.000 tấn hạt điều vào Mỹ, chiếm gần 50% tổng lượng điều nhân nhập khẩu của nước này.