|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Digiworld sẽ đầu tư ngành hàng chăm sóc sức khỏe

17:32 | 12/04/2017
Chia sẻ
Theo kế hoạch, sản phẩm đầu tiên sẽ được Digiworld đưa ra thị trường vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm nay. Mục tiêu đến năm 2020, Digiworld sẽ phủ khoảng 20.000 điểm trên hệ thống phân phối.

Công ty Cổ phần Thế giới số - Digiworld (Mã: DGW) hôm nay công bố sẽ đầu tư vào ngành hàng chăm sóc sức khỏe mà cụ thể là sản phẩm chức năng.

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cho biết ngành hàng chăm sóc sức khỏe là ngành hàng đầu tiên để DGW bước ra mở rộng ngành hàng ngoài việc kinh doanh thiết bị công nghệ. Công ty nhìn thấy nhu cầu của thị trường tốt và triển vọng.

Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam ổn định, dân số xếp thứ 4 Đông Nam Á và 14 trên thế giới. Tập khách hàng tiềm năng là những người có tầng lớp thu nhập trung bình, năm 2012 là 12 triệu người và dự kiến tăng lên 33 triệu vào năm 2020.

Theo nghiên cứu, thị trường hiện có 3.600 doanh nghiệp bán thực phẩm chức năng nhưng không có khả năng tiếp cận thị trường phân phối, có sản phẩm tốt chất lượng cao nhưng khâu marketing lại kém, không đủ nguồn lực...

Công ty đánh giá cơ hội thị trường đang phân mảnh, đối tác có sản phẩm tốt, chưa được biết đến. Trong khi đó, Digiworld có thế mạnh vốn có ở dịch vụ phát triển thị trường, gồm các dịch vụ (1) phân tích thị trường và hoạch định chiến lược marketing, (2) triển khai marketing, (3) nhập khẩu, kho bãi, hậu cần, (4) bán hàng và phân phối, (5) dịch vụ hậu mãi.

Theo kế hoạch, sản phẩm đầu tiên sẽ được Digiworld đưa ra thị trường vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm nay. Ông Việt cho biết Công ty sẽ đưa các sản phẩm theo hình thức cuốn chiếu, ban đầu chỉ có một sản phẩm, sau đó đo hiệu ứng thị trường rồi mới tung ra sản phẩm tiếp theo.

Mục tiêu đến năm 2020, Digiworld sẽ phủ khoảng 20.000 điểm trên hệ thống phân phối. Để phục vụ cho việc thâm nhập ngành hàng mới, Công ty có thể thực hiện M&A các doanh nghiệp sản xuất hoặc phân phối trong ngành. Nếu M&A sẽ cần tăng vốn, tuy nhiên chưa phải trong năm 2017.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2017 với ngành hàng mới, công ty dự kiến doanh thu thuần 3.969 tỷ đồng, tăng 4% so với kết quả thực hiện năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 18%, chỉ đạt 55 tỷ đồng. Nguyên nhân lợi nhuận giảm vì chi phí đầu tư hệ thống và sản phẩm con người cho ngành hàng mới, trong đó có chi phí đầu tư về kho bãi, nhân viên marketing, chi phí nghiên cứu thị trường.

Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu từ mảng máy tính vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tương đương 55%, đạt 2.175 tỷ đồng. Doanh thu ngành hàng chăm sóc sức khỏe dự kiến đóng góp 80 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh quý I/2017, ông Việt cho biết tương đương cùng kỳ năm trước. Theo đó, quý I/2016, công ty đạt doanh thu 811 tỷ đồng, LNST 20,67 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 34% so với cùng kỳ năm trước.

Khổng Chiêm

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.