Điều kiện kinh doanh cảng biển mới vẫn chưa hợp lý
Quy định doanh nghiệp cảng phải có đầy đủ các trang thiết bị bốc xếp, thiết bị chuyên dùng, phương tiện vận chuyển và các trang thiết bị cần thiết khác được cho vừa thiếu tính thực tế vừa cản trở môi trường kinh doanh. (Ảnh: Thành Hoa) |
Hồi đầu tháng 4-2017, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2017/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, cảng dầu khí ngoài khơi (gọi chung là cảng biển).
Nghị định quy định khá chi tiết về điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng như về bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện về vệ sinh lao động, phòng chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường…
Bó buộc nhân sự
Đáng chú ý là quy định về nhân sự. Cụ thể, doanh nghiệp phải có danh sách các chức danh và hợp đồng lao động kèm theo cùng bản sao chụp có chứng thực hoặc bản sao chụp kèm bản chính để đối chiếu các văn bằng, chứng chỉ khi doanh nghiệp nộp hồ sơ cấp phép kinh doanh khai thác cảng biển.
Người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển phải tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, kinh tế hoặc thương mại và có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, khai thác cảng biển năm năm trở lên. Người phụ trách về an toàn, vệ sinh lao động của cảng biển phải được đào tạo, tập huấn và cấp chứng nhận về phòng chống cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh lao động theo quy định. Doanh nghiệp phải có người phụ trách an ninh cảng biển, người này phải được đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phù hợp với luật quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng.
Về cơ sở vật chất, doanh nghiệp khai thác cảng biển phải đảm bảo có đủ cơ sở vật chất, kho, bãi, trang thiết bị cần thiết theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cảng biển; trường hợp cảng biển không có đủ kho, bãi, doanh nghiệp cảng phải có hợp đồng thuê kho, bãi với thời gian thuê kho, bãi tối thiểu là năm năm, trừ trường hợp chỉ kinh doanh khai thác bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, cảng dầu khí ngoài khơi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cảng phải có đầy đủ các trang thiết bị bốc xếp, thiết bị chuyên dùng, phương tiện vận chuyển và các trang thiết bị cần thiết khác đáp ứng yêu cầu của hoạt động bốc, dỡ hàng hóa và phù hợp với công năng, mục đích hoạt động của cảng biển đã được công bố.
Nhiều quy định cứng nhắc
Khi Nghị định 37 nói trên được ban hành, một số doanh nghiệp khai thác cảng biển cho rằng nghị định này còn nhiều điều khoản mang tính hình thức, đôi khi không đảm bảo hiệu lực quản lý mà còn cản trở môi trường kinh doanh.
Ông Phan Hữu Tài, Phó phòng kinh doanh của một doanh nghiệp khai thác cảng tại khu vực quận 9, TPHCM, cho rằng các điều kiện về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ là cần thiết nhưng các điều kiện về nhân sự, như bắt buộc nhân sự phải tốt nghiệp đại học và có kinh nghiệm từ năm năm trở lên, là không cần thiết. “Tuyển nhân sự có kinh nghiệm bao nhiêu năm, người đó có làm được việc hay không là chuyện của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải là người quyết định”, ông nói.
Vẫn theo ông Tài, quy định cảng biển phải có bộ phận quản lý an ninh hàng hải cũng khiến doanh nghiệp gặp khó. Việc phải cử nhân viên đi đào tạo rồi về chỉ phụ trách một lĩnh vực an ninh sẽ gây lãng phí nhân lực vì hiện nay các cảng đều có hệ thống công nghệ giám sát rất chặt chẽ. Dùng công nghệ hay dùng nhân viên an ninh cái nào tốt hơn thì doanh nghiệp lựa chọn, Nhà nước không nên bắt buộc doanh nghiệp phải có nhân viên an ninh.
Sau khi đọc nghị định này, ông Phạm Minh Long, nhân viên kinh doanh của một cảng hàng rời ở Bà Rịa - Vũng Tàu lo lắng về quy định trường hợp cảng biển không có đủ kho, bãi, doanh nghiệp cảng phải có hợp đồng thuê kho, bãi với thời gian thuê kho, bãi tối thiểu là năm năm. Ông Long cho rằng quy định này là vô lý vì thuê bao nhiêu năm là quyền của doanh nghiệp, nếu hiệu quả thì doanh nghiệp thuê lâu năm, còn không hiệu quả thì thuê ngắn hạn. “Quy định như vậy là cứng nhắc, o ép doanh nghiệp”, ông Long nói.
Một quy định nữa cũng được cho là chưa hợp lý, đó là doanh nghiệp cảng phải có đầy đủ các trang thiết bị bốc xếp, thiết bị chuyên dùng, phương tiện vận chuyển và các trang thiết bị cần thiết khác đáp ứng yêu cầu của hoạt động bốc, dỡ hàng hóa. Theo ông Long, tùy vào điều kiện mà doanh nghiệp quyết định mua sắm hay thuê ngoài miễn sao đảm bảo khai thác để hàng không bị ùn tắc ở cảng. “Nếu doanh nghiệp thiếu thiết bị bốc xếp, hàng hóa bị chậm, khách hàng phản ứng thì doanh nghiệp thiệt hại chứ Nhà nước có thiệt hại gì mà phải quy định như vậy?”, ông Long đặt vấn đề.
Theo một số doanh nghiệp, nghị định này cũng đi vào vết xe đổ như Nghị định 160/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải biển với các điều kiện kinh doanh được cho là chưa hợp lý, như doanh nghiệp vận tải biển phải có bộ phận quản lý an toàn, bộ phận quản lý an ninh hàng hải còn đại lý tàu biển phải có người phụ trách chuyên về quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển và có người phụ trách chuyên về pháp chế.
Cụ thể hơn, người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế còn người phụ trách bộ phận pháp chế phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành luật.