Điểm yếu nhất của kinh tế Trung Quốc nằm ở đâu?
Bắc Kinh - Trung Quốc. Ảnh: Timeout |
Chương trình kích thích kinh tế trị giá 600 tỷ USD đã tạo ra nhiều công ty “xác sống” và hạn chế nguồn lực dành cho các doanh nghiệp tư nhân. Kết quả, năng suất lao động nói chung giảm sâu xuống mức thấp.
Theo Bloomberg, quý đầu tiên của năm 2017, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, tốc độ tăng trưởng cao nhất tính từ quý 3/2015. Lãnh đạo Trung Quốc hết sức hài lòng với các chỉ số kinh tế mới công bố.
Tuy nhiên sự biến động của một chỉ báo kinh tế khiến không ít chuyên gia phải “cau mày”, nó khiến cho người ta không khỏi lo lắng về “sức khỏe” của kinh tế Trung Quốc, đó chính là năng suất lao động.
Trong khi năng suất lao động ngành sản xuất Trung Quốc tăng trưởng đều đặn 2,6%/năm trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2007 thì sau đó, năng suất lao động lại không tăng trưởng tiếp, theo giáo sư Loren Brandt chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại đại học Toronto. Tại Mỹ, năng suất lao động trong cùng khoảng thời gian đó tăng trưởng 0,5%, thấp hơn so với giai đoạn trước đó.
Chắc chắn sẽ không phải điều gì bất thường khi năng suất lao động tăng chậm lại một khi hoạt động công nghiệp hóa, sự phát triển của dây chuyền sản xuất và ứng dụng công nghệ qua giai đoạn bùng nổ ban đầu.
Ai cũng biết năng suất lao động ở giai đoạn phát triển sau của ngành sản xuất sẽ tăng thấp hơn so với giai đoạn trước, nhưng đến mức không tăng trưởng như Trung Quốc thì hẳn thật sự khác thường.
Vậy tại sao năng suất lao động lại giảm sâu như vậy? Để vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính phủ Trung Quốc đưa ra chương trình kích thích kinh tế quy mô 586 tỷ USD, tuy nhiên phần lớn số tiền lại được dành cho các doanh nghiệp nhà nước để kích thích tăng trưởng kinh tế và ngăn sa thải lao động hàng loạt.
Theo các số liệu thống kê ở hiện tại của Gavekal Dragonomics, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nhận hơn 30% tổng nguồn tín dụng của chính phủ nhưng lại đóng góp được chưa đầy 10% tổng GDP.
Giám đốc nghiên cứu tại Dragon Economics, ông Andrew Batson, viết trong báo cáo nghiên cứu vào tháng Năm mới đây như sau: “Việc chính phủ Trung Quốc liên tiếp sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để kích thích kinh tế tăng trưởng trong ngắn hạn đã làm yếu các doanh nghiệp tư nhân và làm năng suất lao động giảm sâu. Kết quả, Trung Quốc có thể chuẩn bị rơi vào khoảng thời gian tăng trưởng thấp hơn.
Tại phần lớn các nền kinh tế trên thế giới, sự cạnh tranh trên thị trường giúp tăng năng suất lao động. Dưới thời chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc đặt mục tiêu theo đuổi chương trình Made In China 2025, mục tiêu là để phát triển nhiều ngành quan trọng bao gồm hàng không, robot, năng lượng. Nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhận được nhiều chế độ hỗ trợ bao gồm tín dụng giá rẻ, trợ cấp, giãn thuế và nhiều chế độ khác.
Khi thực hiện chương trình này, chính phủ Trung Quốc và chính quyền các tỉnh đang mang đến “nguồn sống” cho nhiều tập đoàn “xác sống” vốn hoạt động không hiệu quả đã nhiều năm.
Những doanh nghiệp khỏe có khả năng cạnh tranh bình đẳng chịu nhiều thiệt thòi khi muốn kinh doanh trên thị trường. Tại phần lớn các nền kinh tế phát triển, các công ty yếu kém bị buộc phải đóng cửa để giúp năng suất lao động nhìn chung tăng cao hơn. Thế nhưng tại Trung Quốc, điều này dường như không bao giờ xảy ra.
Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ giãn thuế cho những công ty có đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D). Cùng lúc đó, chính quyền một số địa phương trong đó có tỉnh Quảng Đông cũng trợ cấp cho các công ty mua robot để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất.
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có vô cùng nhiều lợi thế so với doanh nghiệp từ nhân. Với nguồn tài chính được hỗ trợ, họ có dư tiền đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Khoảng 75% doanh nghiệp nhà nước chi tiền cho R&D và khoảng 14% đang sử dụng robot trong sản xuất, theo số liệu công bố bởi đại học Vũ Hán - Trung Quốc, đại học Standford, Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc và Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông.
Việc các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc “hụt hơi” trong cuộc đua công nghệ cũng khiến không ít người lo lắng bởi mức lương lao động tại Trung Quốc ngày một tăng cao.
Trong thập kỷ qua, mức lương lao động trong ngành sản xuất tại Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi lên 607USD/tháng, cao hơn cả Mexico và Malaysia. Lương tăng quá nhanh trong khi năng suất lao động không tăng tương ứng đang gây ra áp lực suy giảm lợi nhuận lớn lên vô vàn doanh nghiệp Trung Quốc.
Vậy chính phủ Trung Quốc nên làm gì? Theo lý giải của giáo sư Loren Brandt đến từ đại học Toronto, mức tăng năng suất ấn tượng mà Trung Quốc từng có trước đây là kết quả của rất nhiều chính sách mở cửa thị trường; tăng sức cạnh tranh bằng cách đóng cửa hàng loạt nhà máy hoạt động kém hiệu quả thời gian trước; giảm thuế và nhiều rào cản khác cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001.
Thế nhưng từ đó đến nay, quá trình cải tổ đã chậm lại. Các chuyên gia kinh tế cho rằng chính phủ Trung Quốc cần mở cửa những lĩnh vực đang được chính phủ bảo hộ ví như viễn thông hay vận tải, đóng cửa quyết liệt những công ty hoạt động thiếu hiệu quả, chỉ có bằng cách như vậy năng suất lao động mới có thể tăng mạnh.