|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Điểm danh “tân binh vàng” trên UPCoM 2016

07:42 | 24/12/2016
Chia sẻ
Trong số gần 150 “tân binh” gia nhập UPCoM năm 2016, ngoài 2 cái tên đình đám là BHN và ACV, chỉ số ít cổ phiếu thuộc các lĩnh vực dệt may, hàng tiêu dùng, dịch vụ thiết yếu... là nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Loại trừ các giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn, theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, cổ phiếu có mức khớp lệnh vài trăm nghìn cổ phiếu/phiên trên UPCoM trong năm 2016 chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Các doanh nghiệp này được chú ý bởi là những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình, hoặc có cổ đông chiến lược “sáng giá”, hay nắm giữ nhiều “đất vàng”.

Chẳng hạn, cổ phiếu VOC của Tổng CTCP Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) có thanh khoản chỉ xếp sau “ông lớn” ACV. Càng về cuối năm, giao dịch của VOC càng sôi động, khối lượng khớp lệnh trung bình trong tháng 12 đạt hơn 300.000 đơn vị/phiên.

121,8 triệu cổ phiếu VOC chào sàn UPCoM từ ngày 19/9 với giá tham chiếu 13.500 đồng/CP, đến nay, giá VOC đã tăng gần 112% lên 28.500 đồng/CP (chốt phiên 22/12).

VOC được biết đến là doanh nghiệp đầu ngành dầu thực vật, với lượng cổ phiếu tự do giao dịch khá lớn, khi Nhà nước chỉ sở hữu 36% vốn và có cổ đông chiến lược là CTCP Tập đoàn KIDO (KDC) sở hữu 24% vốn.

Việc KDC đang có kế hoạch nâng sở hữu lên tối thiểu 51% để nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp, cùng với kết quả kinh doanh khả quan là các yếu tố giúp cổ phiếu VOC giao dịch tích cực thời gian qua. Cụ thể, kết thúc quý III/2016, VOC lãi sau thuế 72,3 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ 2015, giúp lợi nhuận 9 tháng đạt 289,6 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 7 tỷ đồng so với cùng kỳ 2015, nhưng vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm để ra (140 tỷ đồng).

Cũng có thanh khoản ấn tượng kể từ khi lên sàn là cổ phiếu VNB của CTCP Sách Việt Nam (Savina). Chỉ tính trong 10 phiên giao dịch gần nhất, VNB khớp lệnh hơn 100.000 đơn vị/phiên. Với 67,9 triệu cổ phiếu giao dịch tại UPCoM từ 15/7 với giá khởi điểm 13.100 đồng/CP, kết thúc phiên 22/12, giá cổ phiếu VNB đóng cửa tại mức 17.100 đồng/CP, tăng 30,53%.

VNB có hơn 60 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sách báo, văn hóa phẩm... Nhưng kể từ khi IPO hồi tháng 3 năm nay, VNB có kế hoạch mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản nhằm tận dụng quỹ đất vàng đang sở hữu.

Theo đánh giá mới nhất của CTCK MB (MBS), VNB đang nắm 3 lợi thế lớn, đó là: ngành xuất bản là lĩnh vực kinh doanh có dư địa phát triển cao trong những năm tới; quỹ đất nằm vị trí đắc địa tại Thủ đô; cơ cấu cổ đông cô đặc, khi cổ đông lớn là Tập đoàn Vingroup (VIC) nắm 65,3% vốn, hứa hẹn sẽ giúp VNB phát huy hết tiềm năng trong lĩnh vực bất động sản.

Thực tế cho thấy, với hoạt động kinh doanh truyền thống là xuất bản, trong 2 năm 2014 và 2015, mỗi năm VNB chỉ lãi ròng vỏn vẹn hơn 400 triệu đồng trên mức doanh thu thuần khoảng 31 tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2016, với việc bước đầu ghi nhận doanh thu từ lĩnh vực bất động sản, VNB lên kế hoạch doanh thu đạt 185 tỷ đồng và lãi ròng là 48,2 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với thực hiện năm 2015.

Dù hiện tại chưa có số liệu cập nhật về kết quả kinh doanh của VNB, song theo MBS, VNB sẽ có chuyển biến lớn từ năm 2017.

CTCP Nước sạch Vinaconex (VCW) cũng là cái tên nhận được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư trong năm nay. Mới lên UPCoM từ cuối tháng 11 với giá chào sàn “ngất ngưởng” là 40.000 đồng/CP, nhưng VCW giao dịch khả quan, dù tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi rất thấp (khoảng 2,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,4% số cổ phiếu lưu hành là 50 triệu cổ phiếu).

Hiện tại, 2 cổ đông lớn nắm giữ đến 94,6% vốn điều lệ của VCW là Vinaconex với sở hữu 51% và CTCP Đầu tư và phát triển Sinh Thái sở hữu 43,6%. Đáng chú ý, Vinaconex đang đề xuất lên Chính phủ phương án thoái toàn bộ số vốn tại VCW .

Một vài năm gần đây, tuy phải đối diện với khá nhiều khó khăn như sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà, biến động tỷ giá…, nhưng VCW vẫn lãi lớn. Cụ thể, năm 2014 và 2015, VCW đạt doanh thu 361 tỷ đồng và 401 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 89,74 tỷ đồng và 147,26 tỷ đồng. Cổ tức năm 2015 là 15% bằng tiền mặt. Năm 2016, VCW đặt kế hoạch doanh thu 439 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 161,3 tỷ đồng

Một “tân binh” khác có giao dịch khởi sắc sau khi lên sàn là cổ phiếu VGG của Tổng CTCP May Việt Tiến. Gia nhập UPCoM từ tháng 3, VGG ban đầu có thanh khoản cao, nhưng giảm dần về các tháng cuối năm. Về diễn biến giá, VGG tăng từ giá tham chiếu 40.000 đồng/CP ngày chào sàn (10/3), lên 60.000 đồng/CP khi kết thúc phiên giao dịch ngày 22/12, tức tăng 50%.

Thanh khoản VGG bị hạn chế một phần do cơ cấu cổ đông của Công ty khá cô đặc, với 72% vốn thuộc về 3 cổ đông lớn là Vinatex (47,88%), South Island Gament SDN BHD đến từ Malaysia (14,16%) và Tungshing Sewing Machine đến từ Hồng Kông (9,94%).

Cổ phiếu VGG được quan tâm là nhờ kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm khả quan. Cụ thể, kết thúc 9 tháng, Công ty mẹ VGG đạt doanh thu thuần 5.588 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ 2015 và hoàn thành 83,4% kế hoạch năm, lãi trước thuế 250,18 tỷ đồng, tăng 11,9 % cùng kỳ 2015và hoàn thành 82% kế hoạch năm.

Về kết quả hợp nhất, VGG không đặt kế hoạch cả năm, nhưng sau 9 tháng, doanh thu thuần đạt 5.661 tỷ đồng, tăng 19,5% và lợi nhuận sau thuế đạt 282 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2015. EPS 9 tháng đạt 5.292 đồng/CP.

Theo nhận định của CTCK BIDV (BSC), VGG có tài chính lành mạnh, với nợ vay và các hệ số năng lực hoạt động như vòng quay hàng tồn kho, vòng quay khoản phải thu-phải trả… được duy trì ổn định ở mức thấp. Ngoài ra, tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm khá cao, đạt 30% bằng tiền mặt liên tiếp trong 3 năm từ 2013-2015. Tỷ lệ cổ tức 2016 dự kiến trên 25%.

Nguyễn Gia