|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Điểm danh các doanh nghiệp có quỹ đất lớn xung quanh sân bay Long Thành

16:56 | 04/12/2017
Chia sẻ
Những doanh nghiệp niêm yết như D2D, DIG, DTA, SZL và các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa như IDICO, Tín Nghĩa, SNZ hiện có quỹ đất lớn xung quanh sân bay Long Thành.

Trong phạm vi bán kính 20km xung quanh vị trí quy hoạch sân bay Long Thành hiện có sự xuất hiện quỹ đất của 4 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán là CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (D2D), Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), CTCP Đệ Tam (DTA), CTCP Sonadezi Long Thành (SZL).

Trong đó, D2D sở hữu 331ha Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, 34ha Khu dân cư phường Thống nhất và 41ha Khu dân cư Lộc An. DTA có dự án Khu đô thị DETACO Nhơn Trạch rộng hơn 47ha thuộc địa phận Xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Còn SZL sở hữu Khu công nghiệp Long Thành, dự án Khu dân cư Tam An.

DIG có dự án Khu đô thị Long Tân, Khu đô thị Hiệp Phước rộng 22ha nằm trong bán kính 10km và dự án Đại Phước rộng 465ha ở bán kính 30km gần sân bay Long Thành. Riêng dự án Đại Phước có tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.

Trong phạm vi 30km, Công ty Cổ phần Licogi 16 (LCG) đang sở hữu dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư Điền Phước, là một phần trong quy hoạch chung Khu đô thị Nhơn Trạch đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Dự án Điền Phước có diện tích hơn 95ha. Trong hai năm qua, LCG đã triển khai tạo quỹ đất sạch và bắt đầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật để kinh doanh từ năm 2018.

Tuy nhiên, diện tích đất của các công ty trên cũng còn khá khiêm tốn so với các “đại gia” là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng công ty Tín Nghĩa, Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp(SNZ). Đây thực sự mới là ba “đại gia” bất động sản được các công ty trong ngành được nhắc khi nói về bất động sản quanh sân bay Long Thành.

IDICO hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh khu công nghiệp. Hiện tại có 13 dự án với tổng diện tích 5.872ha, tổng vốn đầu tư 18.000 tỉ đồng. IDICO đang đầu tư xây dựng và vận hành 10 khu công nghiệp trên khắp cả nước. Trong đó có hai khu công nghiệp sát bên sân bay Long Thành là Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 5.

SNZ có vốn điều lệ 3.765 tỷ đồng, hoạt động chính trong mảng đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, bất động sản nhà ở, khu đô thị, dịch vụ văn phòng cho thuê, dịch vụ lưu trú đến đầu tư dự án BOT cầu đường, đầu tư nhà máy nước… SZN đã phát triển hơn 11 khu công nghiệp trọng điểm của Đồng Nai và đang tiếp tục phát triển khu công nghiệp lớn nhất tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngoài hai khu công nghiệp quy mô lớn là Khu công nghiệp Biên Hòa 1 rộng 335ha, Khu công nghiệp Biên Hòa 2 rộng 365ha, SNZ còn tham gia đầu tư một số khu công nghiệp lớn khác như Khu công nghiệp Amata rộng 361ha, Khu công nghiệp Gò Dầu 184ha, Khu Công nghiệp Đô thị Long Thành rộng 488ha, Khu công nghiệp Đô thị Châu Đức rộng 2.200ha, Khu công nghiệp Giang Điền, Khu công nghiệp Thạnh Phú…

diem danh cac doanh nghiep co quy dat lon xung quanh san bay long thanh
Quy hoạch sân bay Long Thành

Đứng số một ở Đồng Nai về quỹ đất phải kể đến Tổng công ty Tín Nghĩa. Hiện tại, Tín Nghĩa đang có gần 736ha đất khu công nghiệp tập trung tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, Khu công nghiệp Tân Phú, Khu công nghiệp Tam Phước, Khu công nghiệp Biên Hòa.

Ngoài ra, Tín Nghĩa còn triển khai đầu tư 1.390ha ở nhiều dự án như Khu công nghiệp An Phước rộng hơn 200ha, Khu công nghiệp Ông Kèo rộng 823ha, Khu đô thị Du lịch xã Đại Phước rộng 130ha, Khu trung tâm dịch vụ phục vụ Khu công nghiệp Nhơn Trạch rộng 51ha, Kho xăng dầu và bến chuyên dùng xăng dầu huyện Nhơn Trạch rộng 35ha…

Hồi giữa tháng 5/2016, Tín Nghĩa đã chuyển từ Công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần với tên gọi đầy đủ là Công ty Cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa, vốn điều lệ 1.558 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của Tín Nghĩa sau cổ phần hóa gồm Tỉnh uỷ Đồng Nai giữ 50%, Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (TTC Group) nắm 35%, các quỹ đầu tư được quản lý bởi Dragon Capital giữ gần 8%, còn lại là 10 cổ đông khác.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định trong thị trường bất động sản, cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng, có tác động rất lớn lên xu hướng chung.

Do đó khi dự án sân bay Long Thành được đưa vào quy hoạch thì bất động sản quanh đó đã trở thành thỏi nam châm hút nhà đầu tư. Những công ty đã có sẵn đất đai, hạ tầng quanh sân bay Long Thành sẽ chiếm lợi thế rất lớn để tạo đột biến trong kết quả kinh doanh khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Sân bay Long Thành được quy hoạch với lưu lượng đến 100 triệu hành khách, cách TP HCM 40km, cách Biên Hoà 30km, cách Vũng Tàu 70km, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Ngày 24/11 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với 94,3% đại biểu tán thành.

Theo Nghị quyết, diện tích đất thu hồi là gần 5.400 ha, trong đó dành 5.000 ha cho sân bay Long Thành; hơn 282 ha thuộc về khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn; 97 ha của khu tái định cư Bình Sơn; diện tích đất khu nghĩa trang là 20 ha.

Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.

diem danh cac doanh nghiep co quy dat lon xung quanh san bay long thanh Sẽ thúc dự án sân bay Long Thành về đích năm 2023

Tại buổi họp bàn công tác triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn ...

Duy Khánh