|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

DIC cùng Him Lam, Hòa Bình lập hai liên danh xin thầu cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

07:41 | 01/04/2022
Chia sẻ
Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) đã cùng lúc tham gia hai liên danh với Him Lam và Hòa Bình xin được chỉ định làm tổng thầu xây lắp đối với dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Ngày 31/3, Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) cho biết, đã có hai văn bản xin được chỉ định làm tổng thầu xây lắp đối với dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, theo Tiền Phong.

Cụ thể, DIC thay mặt cho liên danh DIC-Công ty CP Him Lam gửi văn bản tới Thủ tướng, Bộ Kế hoạch Đầu tư xin được chỉ định làm tổng thầu xây lắp đối với dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Trong liên danh này, DIC sẽ làm thành viên đứng đầu liên danh.

Trong trường hợp được Thủ tướng giao làm tổng thầu dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, hai đơn vị này thống nhất cùng đảm nhận thi công và hoàn thiện 50% giá trị công trình. Hai bên cũng cam kết không được chuyển nhượng quyền lợi và trách nhiệm theo thỏa thuận liên danh cho thành viên thứ ba nếu chưa có sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong liên danh. 

Liên danh DIC - Him Lam xin rút ngắn tiến độ Dự án ít nhất 3 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).

Trong văn bản xin được chỉ định thầu, liên danh này đã làm việc với các tổ chức tín dụng như Sacombank, LienVietPostBank để hỗ trợ tăng tính chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn thi công công trình.

Đáng chú ý, cũng gần như cùng lúc, DIC lại tiếp tục thay mặt cho liên danh DIC-Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) ký văn bản gửi Thủ tướng xin được giao làm tổng thầu xây lắp dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Liên danh DIC-HBC cũng cam kết rút ngắn tiến độ dự án từ 3-6 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu, nhưng không bao gồm chi phí dự phòng.

Mới đây, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu để trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Theo Bộ GTVT, nên phân chia dự án thành ba dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 (Km0-Km16) với chiều dài khoảng 16km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.240 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 (Km16-Km34+200) với chiều dài khoảng 18,2km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.407 tỷ đồng.

Dự án thành phần 3 (Km34+200-Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.190 tỷ đồng.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 53,7 km.

Dự án được xây dựng theo quy mô 4 - 6 làn xe cao tốc, trong đó đoạn Km0 - Km16+800 và đoạn Km29+400 - Km53+700 có bề rộng nền đường 24,75 m - 27 m; đoạn Km16+800 - Km29+400 có bề rộng nền đường 32,25 m - 34,5 m.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là khoảng 17.837 tỷ đồng bao gồm: Chi phí xây dựng, thiết bị là 8.306 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 997 tỷ đồng; Chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư là 6.629 tỷ đồng; Chi phí dự phòng là 1.905 tỷ đồng. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công và vốn Chương trình phục hồi kinh tế xã hội.

Dự kiến, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025. 

Phương Trang

Nhập khẩu thép từ Trung Quốc cao kỷ lục, đà phục hồi ngành thép trong nước vẫn chưa chắc chắn
Với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn, nhất là sức ép từ thép Trung Quốc.