ĐHĐCĐ Thủy sản Minh Phú: Đặt mục tiêu lãi ròng 2017 tăng gấp 10 lần
ĐHĐCĐ Thủy sản Minh Phú đặt mục tiêu lãi ròng 2017 tăng gấp 10 lần. |
Đặt mục tiêu lãi ròng 2017 tăng gấp 10 lần
Năm 2016 là một năm khó khăn đối với ngành thủy sản Việt Nam khi giá tôm xuất khẩu không tăng nhiều nhưng giá nguyên liệu có khi có size tăng 30% do nắng nóng, xâm ngập mặn dẫn tới thiếu nguyên liệu trầm trọng, nhất là sản phẩm tôm sú – con tôm có thế mạnh của Việt Nam.
Trong khi đó, các nước Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Ecuador có nguyên liệu ổn định, giá tốt hơn Việt Nam. Ngoài ra, chất lượng tôm của Việt Nam cũng thấp hơn của các nước trên nên tôm Việt Nam xuất khẩu không đủ sức cạnh tranh về giá và chất lượng và hệ quả là MPC đã không thể đạt được kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
HĐQT công ty cho biết trong năm qua, sản lượng sản xuất của công ty chỉ đạt 90% so với kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 96%, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 87% và 20% so với kế hoạch. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của MPC đạt 531 triệu USD, sản lượng sản xuất là 42.457 tấn. Theo đó, tổng doanh thu thuần là 11.973 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 101 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí thuế, công ty thu về 72 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT của công ty cho biết trong tất cả các thị trường mà MPC xuất khẩu thì Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm đến 41% tổng giá trị xuất khẩu tương ứng 220 triệu USD. Kế tiếp là thị trường Nhật Bản và Canada chiếm lần lượt 21% và 9% tương ứng 109 triệu USD và 48 triệu USD.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2017, MPC đề ra một kế hoạch khá tham vọng với tổng doanh thu thuần hợp nhất là 15.781 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 841 tỷ đồng, gấp 10 lần so với năm 2016. Với kế hoạch này, MPC đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hợp nhất là 681 triệu USD với sản lượng sản xuất hợp nhất là 55.300 tấn tôm thành phẩm.
Lợi nhuận đến từ phương pháp nuôi tôm mới
Có thể thấy MPC đã trải qua 2 năm khá khó khăn là 2015 và 2016, chính vì vậy kế hoạch lớn với mục tiêu lãi ròng tăng gấp 10 lần năm đặt ra một câu hỏi lớn với cổ đông là cơ sở nào để HĐQT đề ra những con số này.
Ông Quang cho biết với quyết tâm của toàn thể công ty thì khả năng MPC đạt và thậm chí vượt kế hoạch là khá cao. Những tháng cuối năm 2016 khi xâm nhập mặn xảy ra thì tôm giống của các đơn vị sản xuất tôm giống không bán được vì vậy các cơ sở này cho không người nông dân, người nông dân thì cứ thả đại với mật độ thấp, cứ ngỡ rằng năng suất thấp nhưng thật ra thì lại ra năng suất cao.
Bên cạnh đó, giá thành nuôi tôm theo phương pháp này lại thấp hơn so với việc nuôi trồng mật độ cao nên người dân lại thu được lợi nhuận tốt. Và ngay từ giữa tháng tháng 3 năm nay, MPC đã giảm giá mua nguyên liệu mà người dân vẫn có lời khá. Chính vì vậy, trong năm nay, giá tôm Việt Nam đã giảm tương đương Ấn Độ và Indonesia và do đó sản lượng bán ra sẽ tốt hơn so với các nước này do công nghệ của Việt Nam tốt hơn.
Và kết quả 4 tháng đầu năm cũng đã minh chứng cho khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2017 của MPC. Sản lượng trong tháng 4 tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước với giá trị tăng 46,7% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và giá trị tăng 28,6% và vượt 10% so với kế hoạch trong kỳ. Ông Quang cho biết thêm vào tháng 5, 6, đến tháng 9 và tháng 10 mới là chính vụ tôm nên có thể dễ dàng đạt được kế hoạch đề ra của năm.
Đối với thông tin tôm Việt Nam nhập vào Hoa Kỳ sẽ bị áp thuế chống bán phá giá thêm 5 năm nữa, ông Quang khẳng định điều này sẽ không có ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu và giá trị xuất khẩu của MPC. Ông Quang cho biết sau khi theo đuổi vụ kiện 8 năm với phía Hoa Kỳ, MPC đã thắng kiện và được DOC đưa ra khỏi diện áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời, một phần thuế chống bán phá giá mà MPC đã tạm nộp trong những năm trước đây sẽ được hoàn lại, dự kiến lên tới nhiều triệu USD.