ĐHĐCĐ PV Drilling: Mục tiêu và thách thức 2017 chỉ là không lỗ!
ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 sáng ngày 27/04 |
Không phải 2016, năm 2017 mới là năm khó khăn nhất
PV Drilling vừa bước qua một năm 2016 lao đao vì giá dầu diễn biến bất ổn, nhưng theo Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng đánh giá cho đến hiện tại thì năm 2017 sẽ là năm khó khăn nhất kể từ khi niêm yết. Dù giá dầu thô WTI theo dự báo của Cơ quan năng lượng Hoa Kỳ (EIA) sẽ tăng 17,6% lên mức 50,66 USD/thùng, nhưng mức giá này vẫn ở mức thấp so với kỳ vọng của PVD.
Doanh thu kế hoạch chỉ 2.300 tỷ đồng, giảm 57% so với thực hiện năm 2016. Theo đó, mục tiêu năm 2017 là không lỗ. Ông Dũng cho biết với tình hình dự báo kém khả quan thì gần như chắc chắn PVD sẽ phải lỗ. Nhưng đó là mục tiêu cần đặt ra để PVD phấn đấu trong năm 2017.
Đoàn chủ tịch cho biết hầu hết các hợp đồng trong nước đều là ngắn hạn trong vòng 3 - 4 tháng, nguồn thu từ các hợp đồng này không lớn, phải liên tục đấu thầu và hao phí thời gian chờ việc của các giàn khoan. Đồng thời, thị trường trong nước được PVD đánh giá là không có tiềm năng vì đơn giá thuê quá thấp.
Do đó, ban lãnh đạo phải tìm thêm các hợp đồng nước ngoài như Malaysia, Myanmar, Thái Lan,… với thời hạn dài hạn từ 2 - 3 năm để cải thiện nguồn thu. Tuy nhiên, với các dự án này cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng do diễn biến giá dầu bất ổn, không thể nhận một hợp đồng với giá thuê cố định suốt khoảng thời gian dài.
Với câu hỏi giá dầu kỳ vọng của PVD là bao nhiêu thì tình hình sẽ khởi sắc trở lại? Đoàn chủ tịch cho biết nếu giá dầu vượt trên mốc 60 USD/thùng thì các giàn khoan sẽ không còn tình trạng chờ việc, việc trúng thầu sẽ dễ dàng hơn. Còn nếu lên 70 USD/thùng, thì hoạt động của PVD ở mức ổn định, chứ không tăng trưởng nhiều. Tuy nhiên, dù giá dầu trong năm nay có sáng sủa hơn, nhưng với độ trễ 1 - 2 năm từ việc trúng thầu, triển khai đến thu lợi nhuận về, thì trong vòng 2 năm mới thấy được sự tăng trưởng.
Thắc mắc của cổ đông về giá cổ phiếu PVD sụt giảm trong một năm qua, ban lãnh đạo cho biết hiện ưu tiên hàng đầu của PVD là cải thiện dòng tiền để đảm bảo sự tồn tại. Trong tương lai, khi hoạt động ổn định hơn sẽ thực hiện mua lại cổ phiếu để cải thiện tính thanh khoản trên thị trường.
Sẽ gỡ bỏ gánh nặng chi phí trích lập dự phòng
Tại thời điểm cuối năm 2016, khoản phải thu của khách hàng lên hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó có hơn 91% là số nợ quá hạn. Do đó, trong năm 2017, PVD sẽ nhờ đến sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) để thu lại các khoản nợ trên và thực hiện hoàn nhập 170 tỷ đồng trích lập dự phòng. Nếu hoàn tất được các khoản phải thu này trong năm nay, có khả năng PVD sẽ đạt được kế hoạch không lỗ ban đầu đề ra.
Theo chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc Đỗ Danh Rạng, PVD ghi nhận lỗ quý 1/2017 ước gần 200 tỷ đồng do khoản trích lập dự phòng nợ khó đòi gần 100 tỷ đồng. Tuy vậy, Đoàn chủ tịch cũng chia sẻ khi đã thu hồi dần các khoản nợ, thì lãi những quý sau sẽ bù đắp lại lỗ quý 1/2017.
Một khoản chi phí khác cũng ảnh hưởng kết quả lãi là chi phí lãi vay ghi nhận gần 190 tỷ đồng trong năm 2016. Nợ vay tài chính tính đến cuối năm 2016 là hơn 5.440 tỷ đồng, chủ yếu là nợ dài hạn. Phần lớn các khoản nợ này tài trợ cho giàn khoan số 6 mới đưa vào hoạt động năm 2015, giàn khoan số 2 và giàn khoan số 5. Trong tình trạng khó khăn của năm 2017, PVD sẽ tiếp tục xin giãn số nợ thanh toán và khoản chi phí lãi vay dự kiến vẫn sẽ ở mức cao.
Bên cạnh đó, một ý kiến của cổ đông về việc cắt giảm thêm chi phí, cụ thể là thù lao HĐQT và bỏ Ban kiểm soát. Theo cổ đông này, trước sự khó khăn chung, người lao động trực thuộc Công ty đã “dũng cảm” chịu tình cảnh giảm lương thì HĐQT cũng nên xem xét lại. Đoàn chủ tịch chia sẻ lương của ban lãnh đạo từ năm 2010 đến nay hưởng theo khung nhà nước, thấp hơn một nửa lương của các trưởng ban, trưởng phòng trong Công ty. Về việc bỏ Ban kiểm soát, theo ý kiến Đoàn chủ tịch là không nên vì không cắt giảm được nhiều chi phí.
Giàn khoan “ngồi chơi chờ việc” – lãi 2016 thấp kỷ lục và không chia cổ tức
Năm 2016 - một năm nhiều khó khăn đối với PVD khi giá dầu thô WTI giảm 11,5% so với năm 2015, xuống mức bình quân cả năm là 43,07 USD/thùng. Trong khi đó, nhiều hợp đồng đã hết hạn và gần 2,5 giàn khoan trong tình trạng “ngồi chơi chờ việc”. Những giàn khoan có việc thì lại hoạt động với đơn giá thuê giảm mạnh đến 48% so với năm 2015 và ở mức thấp hơn chi phí vận hành của PV Drilling.
Doanh thu năm 2016 đã giảm mạnh 63% còn 5.360 tỷ đồng, trong đó, khoảng 65% lượng sụt giảm là từ doanh thu hoạt động khoan. Theo đó, kết quả lãi ròng chỉ vỏn vẹn 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt hơn 1.664 tỷ đồng. Đây cũng là con số thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua.
Ông Dũng chia sẻ thêm con số lãi tuy có thấp nhưng vẫn có giá trị một phần nhờ trong năm Công ty đã xin với chuyển cách khấu hao, thay vì khấu hao theo đường thẳng, PVD sẽ khấu hao theo thời gian hoạt động. Theo đó, Công ty sẽ tạm dừng khấu hao khi giàn khoan không làm việc.
Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại chỉ còn 55 tỷ đồng. Cộng với dự báo tình hình năm 2017, ban lãnh đạo PVD đã trình Đại hội kế hoạch không chia cổ tức năm 2016 và đã được thông qua.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/