|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Nhựa Tiền Phong: Không thông qua nới room ngoại lên 100%

16:47 | 30/11/2017
Chia sẻ
 Cổ đông Nhật Bản và lãnh đạo, CBCNV của NTP đều cho rằng việc nới room ngoại lên 100% khiến công ty phải bỏ ngành nghề bất động sản sẽ là một tổn thất cho doanh nghiệp.

Sáng ngày 30/11, CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (HNX: NTP) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2017 trình nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (nới room ngoại) và thay đổi nhân sự trong HĐQT, BKS.

Tờ trình về việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại NTP lên 100% không được cổ đông thông qua khi tỷ lệ tán thành chỉ ở mức 46,17%, tương đương 36 triệu và không tán thành lên tới 53,62%, tương đương 42 triệu cp.

Vì vậy, NTP cũng sẽ không cần điều chỉnh rút 2 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (phục vụ cho việc nới room) là ngành kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu và vận tải hàng hóa bằng đường bộ.

Liên quan đến vấn đề nới room, một cổ đông là nhân viên của NTP cho rằng doanh nghiệp nên là doanh nghiệp Việt Nam và tự chủ. Bên cạnh đó, cổ đông cũng mong muốn ban lãnh đạo của NTP có lộ trình để cán bộ nhân viên có cơ hội mua lại cổ phần của công ty trong trường hợp SCIC thoái vốn.

Ban lãnh đạo của NTP cho rằng, muốn nới room lên 100%, NTP sẽ phải rút 2 ngành nghề là bất động sản và vận tải đường bộ. Đây sẽ là một mất mát cho công ty khi mà NTP đang chuẩn bị triển khai dự án bất động sản tại số 2 An Đà, Hải Phòng.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo của NTP cũng cho rằng việc nới room sẽ giúp SCIC có thể thoái vốn dễ dàng hơn với mức giá cao hơn và mang lại lợi ích cao cho Nhà nước.

Chia sẻ về quan điểm của SCIC, ông Nguyễn Chí Thành – đại diện vốn của SCIC tại NTP cho biết việc nới room lên 100% sẽ là một yếu tố tích cực với thị trường và tạo sức hấp dẫn cho nhà đầu tư, đặc biết là nhà đầu tư nước ngoài khi SCIC thoái vốn, qua đó giúp quá trình bán vốn đạt được hiệu quả nhất.

Nếu được thông qua nới room ngoại lên 100% tại NTP, SCIC sau đó sẽ triển khai ngay việc thoái vốn theo lộ trình đề ra. Tuy nhiên, nếu nội dung này không được thông qua, SCIC sẽ có cách khác để bán cổ phần mà không làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Về phía cổ đông lớn Nhật Bản - Sekisui Chemical, đại diện đơn vị này – ông Noboru Kobayashi cho hay, việc nới room ngoại lên 100% sẽ khiến NTP mất đi quyền kinh doanh trong ngành bất động sản, đó là một thiệt hại cho công ty. Bản thân Sekisui Chemical cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài chỉ nên sở hữu đến 49% vốn của NTP và để Nhựa Tiền Phong là một doanh nghiệp thuộc sở hữu của người Việt.

dhdcd nhua tien phong khong thong qua noi room ngoai len 100
Ông Noboru Kobayashi, đại diện Sekisui Chemical

Ông Noboru Kobayashi cũng nhấn mạnh, Sekisui Chemical chưa có ý định nâng sở hữu tại NTP ở thời điểm hiện nay và cũng không có ý định mua cổ phần của SCIC tại NTP.

Ngoài, tờ trình về việc nới room ngoại, các tờ trình còn lại đều được thông qua. Cổ đông thông qua miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Sakchai Patiparnpreechavud và miễn nhiệm thành viên BKS đối với ông Praween Wirtopan từ ngày 16/10/2017. Đồng thời, bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 là ông Noboru Kobayashi.

Cổ đông cũng thông qua tờ trình về việc thực hiện đầu tư vào các công ty cấp thoát nước, các công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào, thiết bị và thực hiện triển khai các hạng mục dự án Khu tổ hợp thương mại, văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp tại số 2 An Đà theo lộ trình.

Liên quan đến dự án số 2 An Đà, ông Đặng Quốc Dũng – thành viên HĐQT của NTP cho biết tại đại hội này, HĐQT chỉ xin chủ trương về lộ trình cụ thể sẽ được trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 diễn ra vào tháng 4 năm sau. Công ty kết hợp với những nhà đầu tư khác chuyên về bất động sản để thực hiện dự án, trong đó, NTP sẽ triển khai 1 hoặc 2 công đoạn.

dhdcd nhua tien phong khong thong qua noi room ngoai len 100
Ông Đặng Quốc Dũng- Thành viên HĐQT của NTP

Dự án số 2 An Đà có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng, đã được cấp phép quy hoạch 1:500. NTP đã thành lập Công ty TNHH Bất động sản Tiền Phong từ năm 2015 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng để quản lý dự án.

Liên quan đến chủ trương đầu tư vào các công ty cấp nước và các công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào, ông Dũng cho biết, việc đầu tư vào các đơn vị này nhằm kiểm soát và chủ động trong đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp. Hiện nay, NTP đang phải nhập nguyên liệu từ các công ty cung cấp với giá thành cao và bị hạn chế ở một số mặt như bảo mật, nghiên cứu…

Phan Tùng