|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ LienVietPostBank: Điều chỉnh kế hoạch tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng, sắp giao dịch trên UPCoM

20:12 | 26/03/2017
Chia sẻ
Do sai sót về mặt in ấn, LienVietPostBank cho biết ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng trong năm 2017 thay vì 7,000 tỷ đồng như tài liệu công bố trước đó.

Ngày 25/03/2017, ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của Ngân Hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LienVietPostBank (Mã: LPB) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 11% so với con số thực hiện năm 2016.

dhdcd lienvietpostbank dieu chinh ke hoach tang von len 7500 ty dong sap giao dich tren upcom
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của LienVietPostBank diễn ra chiều ngày 25/03 tại Tp.HCM

Tổng tài sản cuối năm 2017 dự kiến đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 27%; dư nợ thị trường 1 ước đạt 111.500 tỷ đồng, tăng 37%. Được biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho LienVietPostBank tăng trưởng tín dụng tối đa 16% trong năm 2017, tương ứng 95.317 tỷ đồng. Tuy nhiên với mục tiêu tăng vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, Ngân hàng dự kiến tăng trưởng vượt mức và sẽ xin phép NHNN điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng.

Theo tài liệu đại hội được công bố trước đó, LienVietPostBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 6.460 lên 7.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành 54 triệu cp trong năm 2015. Cụ thể, phát hành 38,76 triệu cp trả cổ tức 2016 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6%, nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế năm 2016. Đồng thời chào bán ra công chúng, cán bộ nhân viên hoặc nhà đầu tư, đối tượng khác 15,24 triệu cp với giá 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện trong năm 2017 sau khi được cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận.

Tuy nhiên, ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng đã đính chính với các cổ đông sẽ tăng vốn thêm 1.040 tỷ lên 7.500 tỷ đồng thay vì 7.000 tỷ đồng như tài liệu công bố trước đó. Số cổ phiếu không bán hết và số cổ phiếu lẻ sẽ được bán lại cho các nhà đầu tư quan tâm với giá không thấp hơn giá phát hành, trường hợp vẫn không bán hết thì tăng vốn điều lệ theo số cổ phần thực tế phát hành.

Vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước khi quy mô tài sản của LienVietPostBank ngày càng tăng; đầu tư, nâng cấp, sửa chữa trụ sở, văn phòng làm việc, mua sắm trang thiết bị; đầu tư mở rộng mạng lưới chi nhánh và tăng cường đầu tư cho các Phòng giao dịch Bưu điện trong năm 2017; hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ quản trị ngân hàng, cung ứng sản phẩm dịch vụ mới.

Đáng chú ý, ĐHĐCĐ cũng đã chấp thuận cho LienVietPostBank được đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VDS) và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (hệ thống giao dịch UPCoM).

Về vấn đề này, nhiều cổ đông đề xuất niêm yết ngay lên HNX thay vì đăng ký giao dịch trên UPCoM nhằm gia tăng minh bạch hoá thông tin. Ban lãnh đạo Ngân hàng ghi nhận ý kiến của cổ đông và cho biết sẽ đưa ra quyết định tuỳ tình hình cụ thể.

Cổ tức vượt kỳ vọng nhờ lãi lớn

Năm 2016, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank tăng hơn 3 lần lên xấp xỉ 1.350 tỷ đồng; lãi ròng vượt mức 1.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết, kết quả đạt được chủ yếu do thu hút được nguồn vốn với giá hợp lý từ các khách hàng lớn, đẩy mạnh tín dụng bán lẻ và thu hồi nợ xấu.

Vì lợi nhuận vượt kế hoạch nên đại hội cũng đã thông qua phương án tăng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2016 từ mức 8% lên 10%, trong đó 4% đã chi bằng tiền mặt và 6% chi trả bằng cổ phiếu (sau khi được NHNN chấp thuận). Tỷ lệ cổ tức kế hoạch cho năm 2017 là 12%.

Trước đó, năm 2014, LienVietPostBank đã không hoàn thành lời hứa với cổ đông khi chỉ chi trả cổ tức 6% trong khi kế hoạch được thông qua là 10%. Đến năm 2015, tỷ lệ cổ tức được chia vỏn vẹn chỉ có 4,5%.

Ngoài ra, LienVietPostBank cũng đặt mục tiêu doanh số bán lẻ năm 2017 sẽ tăng thêm khoảng 60% so với năm trước.

Được biết, ngoài các sản phẩm tín dụng đặc thù như sản phẩm Cho vay hưu trí và sản phẩm Cho vay công chức với dư nợ đều đạt mức 5.000 tỷ đồng năm 2016, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cũng đóng góp một phần không nhỏ trong kết quả kinh doanh của Ngân hàng. Dư nợ của các sản phẩm cho vay trong lĩnh vực này tăng 35% so với năm 2015 sau khi triển khai nhiều gói sản phẩm như các gói vay ưu đãi tái canh cà phê tại Tây Nguyên, trồng lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ trồng mắc ca tại Lâm Đồng.

Tại đại hội, các cổ đông cho biết Ngân hàng nên tập trung và đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp nông thôn nhằm tận dụng lợi thế về mạng lưới hoạt động.

Theo Ban lãnh đạo, mạng lưới của Ngân hàng hiện đã phủ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Năm 2016, LienVietPostBank đã khai trương, đưa vào hoạt động thêm 5 chi nhánh và 28 phòng giao dịch (PGD), nâng số điểm giao dịch lên 134 điểm. Ngoài ra còn có 5 chi nhánh và 61 PGD đã được NHNN cấp giấy phép chuẩn bị khai trương trong năm 2017.

Năm 2017, LienVietPostBank sẽ phối hợp chặt chẽ với VietNamPost đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các PGD Bưu điện đủ điều kiện nâng cấp thành PGD Ngân hàng theo quy định của NHNN, tiến tới mục tiêu hoàn thành nâng cấp 700 PGD tới năm 2018; đồng thời phát triển mạng lưới phủ sóng 713 quận, huyện trên toàn quốc trong 3 năm tới.

Về các dự án hiện đại hoá công nghệ thông tin, Ngân hàng đang tiến hành nâng cấp hệ thống Corebanking và dự kiến chuyển đổi, vận hành vào đầu tháng 4/2017.

Thu Minh