ĐHĐCĐ Hanoimilk: 'Năm 2016 có thể lỗ nếu được kiểm toán'
Sáng nay (24/6), CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk – mã HNM) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.
Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, HNM đang trải qua giai đoạn khó khăn và vất vả nhất kể từ khi thành lập đến nay.
“Khủng hoảng truyền thông năm 2008 làm uy tín của công ty và thương hiệu Hanoimilk giảm sút, đến nay vẫn chưa lấy lại được ngôi vị của mình. Để lấy lại được sự tin yêu của người tiêu dùng, các chuyên gia tư vấn thương hiệu ước tính HNM phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho marketing và quảng cáo. Trong hoàn cảnh hiện tại, nếu chi phí như vậy, Hanoimilk sẽ phải chịu lỗ trong ngắn hạn một vài năm và điều này là không được phép đối với một công ty niêm yết”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán phục vụ cho việc đầu tư các dự án mới của công ty cũng gặp khó khăn không kém khi giá cổ phiếu HNM trên thị trường liên tục duy trì ở mức thấp, chỉ quanh mốc 5.100 đồng/đơn vị.
Hiện 7 dây chuyền máy rót hộp Wed được đầu tư từ những năm trước của công ty cũng đã phải dừng sản xuất do xu hướng tiêu dùng hộp Wed giảm mạnh từ năm 2010. Theo đó, công ty lại phải đầu tư thực hiện dự án mở rộng nâng cấp nhà máy để chuyển đổi sang sản xuất sữa UHT với các loại bao bì mới phù hợp hơn. Điều này lại càng làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Theo đó, kết thúc năm 2016, HNM chỉ đạt doanh thu 256 tỷ đồng, giảm 17,5% so với thực hiện năm 2015 và chỉ hoàn thành 71,1% kế hoạch đề ra. Tương tự, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn gần 1,8 tỷ đồng, hoàn thành phân nửa kế hoạch, EPS giảm từ 153 đồng xuống còn 86 đồng/cổ phiếu.
Ông Tuấn cho biết, các đối thủ cạnh tranh tung ra rất nhiều chương trình khuyến mại lớn cho cả người tiêu dùng và cửa hàng trong khi HNM thì không có đủ nguồn lực. Công ty cũng không thể chi các khoản marketing khổng lồ cho các chương trình PR và quảng cáo để đẩy doanh số.
Chủ tịch HNM cũng thừa nhận, hệ thống bán hàng của công ty hoạt động còn kém hiệu quả, nhiều nhân sự bán hàng không đạt chỉ tiêu, không chấp nhận hưởng lương khoán nên xin nghỉ việc.
Sang năm 2017, công ty đặt mục tiêu doanh thu bán hàng đạt 328 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 3,7 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 28,2% và 50% so với kết quả đạt được trong năm 2016.
Được biết, cổ phiếu HNM vừa bị đưa vào diện bị kiểm soát từ ngày 7/6 do công ty không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đưa vào diện cảnh báo. Đặc biệt, đến nay HNM chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016. Theo đó, cổ phiếu HNM chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.
Ông Tuấn cho biết, do Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long - đơn vị kiểm toán năm 2016 do HNM bất ngờ thông báo đang bị UBCKNN đình chỉ tư chách kiểm toán BCTC năm 2016 nên doanh nghiệp chưa thể nộp BCTC kiểm toán đúng hạn.
Chủ tịch HNM cũng cho rằng, hiện trên BTCT chưa kiểm toán, công ty đang lãi 1,8 tỷ đồng, tuy nhiên, sau kiểm toán, công ty có thể lỗ.
“Bên kiểm toán nếu họ làm chặt tay hơn chúng ta có thể lỗ, bởi họ có quan điểm khác”, ông Tuấn nói.
Trả lời câu hỏi của cổ đông căn cứ vào đâu để đặt mục tiêu doanh thu tăng tới 28% và lợi nhuận trước thuế tăng 50% trong khi sản lượng sản xuất chỉ tăng 18,3% so với năm 2016, ông Tuấn cho biết, dù sản lượng chỉ tăng hơn 18% nhưng doanh thu của công ty sẽ tăng mạnh nhờ việc gia công cho các công ty khác và cả doanh thu bán hàng của mình. Bên cạnh đó, giá vốn bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng chậm hơn doanh thu, do đó sẽ giúp tăng lợi nhuận.
Hanoimilk: 50 năm nữa mới... chia cổ tức?
Từng là 1 trong 3 doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam, tuy nhiên, những năm gần đây, thương hiệu Hanoimilk ngày càng trở lên ... |