ĐHĐCĐ FPT: Việc thoái vốn khỏi FPT Retail và FPT Trading có thể hoàn thành trong năm nay
Chiều nay (31/3), Công ty Cổ phần FPT (Mã: FPT) họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.
Kết quả kinh doanh quý I ước tính tăng trưởng ở 2 chữ số
Vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm nhất trong buổi đại hội hôm nay là về việc tập đoàn FPT thoái vốn khỏi FPT Retail và FPT Trading. Đại diện FPT cho biết có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thương vụ này, FPT đang trong giai đoạn thương thảo để sớm kết thúc và dự kiến có thể hoàn thành trong năm nay.
Hơn nữa, FPT cũng cho biết toàn bộ số tiền sẽ được ghi vào lợi nhuận của công ty, số tiền là bao nhiêu còn tùy thuộc vào việc định giá và số tiền thu về này chưa hề được tính vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2017.
Về lý do bán mảng phân phối và bán lẻ, ông Trương Gia Bình đưa ra 3 lý do: thứ nhất là FPT hướng đến sự tăng trưởng nhanh và bền vững mà lĩnh vực thương mại luôn có giới hạn, thứ 2 FPT mong muốn trở thành một tập đoàn thuần công nghệ và điều cuối cùng là nhiều cổ đông cũng yêu cầu FPT tách ra khỏi mảng đó.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về lợi nhuận 3 tháng đầu năm, ông Bùi Quang Ngọc - Tổng giám đốc cho hay kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm dự báo đạt 2 chữ số tăng trưởng so với cùng kỳ.
Trong đại hội, cổ đông cũng đã đưa ra câu hỏi về việc FPT có dự định tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom. Chủ tịch HĐQT khẳng định rằng FPT - bên mua rất mong muốn song bên bán lại chưa rõ ràng.
Về vấn đề độ tuổi của ban lãnh đạo FPT, cổ đông cũng đã có những băn khoăn làm sao để mong muốn tăng trưởng của FPT phù hợp với ban lãnh đạo. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh rằng FPT chỉ quan tâm đến sự đóng góp và sự sáng tạo của nhân viên.
Ông cho biết thêm số lượng ban lãnh đạo trẻ ở FPT từ 35 - 40 tuổi rất đông và chiếm đa số, đây mới chính là lực lượng tạo ra giá trị lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
FPT cũng đã có những thử nghiệm đưa người trẻ lên làm CEO song họ không nắm rõ các ngóc ngách của ngành mà mình không quản lý. Chủ tịch cũng tiết lộ FPT đã xây dựng một kế hoạch nhân sự cực kì chi tiết cho giai đoạn tới.
Về vấn đề tài chính, cổ đông cũng quan tâm đến các khoản nợ xấu của tập đoàn, ban lãnh đạo cũng cho biết theo báo cáo tài chính kết thúc năm 2016 thì chủ yếu là các khoản trích nợ dự phòng và khoản này là không thể tránh khỏi. Mảng Internet bị tồn tại một phần là khách hàng bùng cước viễn thông song tỷ lệ nợ này vẫn ở mức thấp, nhỏ hơn 1% so với doanh nghiệp khác.
Đến năm 2020, dự kiến giá trị xuất khẩu phần mềm đạt khoảng 1 tỷ USD
Về lợi thế cạnh tranh của FPT ở mảng số hóa so với đối thủ khác, ông Trương Gia Bình cho biết FPT hiện tại đang hợp tác với nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. Ông khẳng định FPT đang đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ số và thậm chí đi trước Ấn Độ khoảng 4 năm. FPT cũng tự tin có lợi thế là nguồn nhân lực và kinh nghiệm.
Ông Trương Gia Bình cũng nhiều lần nhắc đến mảng số hóa và nhấn mạnh vai trò của cuộc cách mạng số. Tập đoàn cũng đặt ra mục tiêu trở thành tập đoàn toàn cầu về lĩnh vực này.
Trả lời cổ đông về kế hoạch lợi nhuận mảng viễn thông năm 2017 chỉ tăng 1%, đại diện ban lãnh đạo giải thích rằng tốc độ phát triển của FPT Telecom rất tốt, song giữa năm 2016 FPT nhận được thông báo của chính phủ về việc nộp phí, lệ phí quy định cho các nhà viễn thông. Khó khăn ở chỗ FPT chưa rõ mức phí là bao nhiêu nên FPT phải trích lập dự phòng và nếu không có khoản phí này thì tốc độ tăng trưởng của mảng này vẫn là khoảng 12%.
Ở mảng viễn thông, cổ đông cũng quan tâm đến việc FPT Telecom có định tham gia thử nghiệm 4G không. HĐQT cũng chia sẻ rằng 4G là một thách thức với FPT vì phát triển 4G phải có băng tần mà hiện tại FPT lại chưa có song tập đoàn đang cố gắng phát triển, đầu tư nguồn nhân lực để ứng phó với việc cạnh tranh nhờ 9 sản phẩm mà doanh nghiệp đang thử nghiệm.
Cổ đông cũng đưa ra những trăn trở về việc trong thời gian qua giá cổ phiếu FPT khá lẹt đẹt, dù doanh nghiệp có sự phát triển tốt song chưa có sự đột phá. Chủ tịch HĐQT cũng chia sẻ FPT định hướng trở thành một tập đoàn công nghệ thuần, phán đấu đến năm 2020 FPT dự kiến xuất khẩu phần mềm với giá trị khoảng 1 tỷ USD, tập đoàn cũng tự hào vì có khách hàng lớn nhất thế giới.
Trong buổi đại hội hôm nay, FPT cũng tiến hành bầu HĐQT và Ban kiểm soát mới giai đoạn 2017 - 2022. Kết thúc kiểm phiếu, HĐQT của FPT vẫn như cũ, ông Trương Gia Bình vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ban kiểm soát có sự thay đổi, bà Nguyễn Thị Kim Anh thay ông Cao Duy Hà. Bà Kim Anh từng là chuyên viên Ban đầu tư 4 ở Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Năm 2017, FPT dự kiến lợi nhuận tăng 13,1% so với năm 2016
Tại đại hội HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu ước đạt 46.619 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước, lợi nhuận ước đạt 3.408 tỷ đồng, tăng 13,1% so với 2016. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu nhờ mảng khối công nghệ, khối phân phối và bán lẻ.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 của FPT (Nguồn: Tờ trình ĐHĐCĐ) |
Năm 2017, HĐQT của FPT dự kiến chi khoảng 2.284 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư vào hạ tầng của dịch vụ Viễn thông, đầu tư văn phòng cho khối Công nghệ và các cơ sở giáo dục mới, trong đó tập trung đầu tư chủ yếu vào Viễn thông.
FPT lên kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ 20% bằng tiền và 30% bằng cổ phiếu năm 2016
FPT dự kiến mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2016 là 20% (2.000 đồng/cổ phiếu). Trong đó, FPT đã thực hiện chi trả 10% trong năm. Phần cổ tức còn lại dự kiến sẽ trả trong quý II/2017. Việc chi trả cổ tức năm 2016 thực hiện đúng theo kế hoạch đặt ra của HĐQT.
Với 459 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền FPT chi ra trong cả hai đợt chi trả cổ tức là tổng cộng 918 tỷ đồng. Ông Trương Gia Bình, cổ đông lớn nhất của FPT đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT đang sở hữu 7,12% vốn, ước tính sẽ nhận được khoảng 65,4 tỷ đồng.
FPT đưa ra phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% (20:3) bằng lợi nhuận giữ lại. Dự kiến phát hành cổ tức bằng cổ phiếu diễn ra vào quý II.
Năm 2017, FPT dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt 20% (tương ứng 2.000 đồng/cổ phiếu)
Dự kiến phát hành ESOP cho nhân viên
Năm 2017, FPT dự định sẽ chi thù lao cho các thành viên Ban điều hành là 10,76 tỷ đồng, thưởng cho các thành viên điều hành không quá 0,49% tổng lợi nhuận trước thuế của tập đoàn. Tổng thù lao cho thành viên HĐQT không điều hành lên tới 5,75 tỷ đồng.
FPT có kế hoạch sẽ phát hành ESOP cho nhân viên giai đoạn 2017 - 2019, số lượng phát hành mỗi năm không quá 0,5% vốn điều lệ tại thời điểm phát hành. Tập đoàn sẽ phát hành làm 3 đợt vào các năm 2018, 2019 và 2020 cho các cán bộ nòng cốt từ level 5 trở lên, các đối tượng cầu hiền.
FPT dự kiến phát hành cổ phần ưu đãi nhân viên loại 3, cổ phần sẽ hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm.