Đến năm 2017 thoái vốn từ Habeco và Sabeco 49.000 tỉ đồng
Phiên họp báo chính phủ thường kỳ tháng 8. Ảnh: Minh Tâm |
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 chiều nay (31/8), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết cả Habeco và Sabeco hiện này đều đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 81,79% vốn điều lệ tại Habeco và 89.59% tại Sabeco. Do quy mô vốn của hai doanh nghiệp này khác nhau nên Bộ Công Thương trình Chính phủ lộ trình thoái vốn khác nhau đối với từng doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị năm 2016 sẽ thoái toàn bộ 81,79% tại Habeco tương đương với 9.000 tỉ đồng. Habeco hiện tại có 0,56% cổ phần do người lao động nắm giữ, các cổ đông khác chiếm 1,88%, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có 15,77% cổ phần (trước đó Nhà nước đã bán thêm 5,77% cho họ).
Về Sabeco, do doanh nghiệp này có quy mô lớn hơn nên lộ trình thoái vốn sẽ chia làm 2 đợt. Đợt 1 thoái 53,59% dự kiến thu về 24.000 tỉ đồng trong năm 2016, đợt 2 thoái 36% tương ứng 16.000 tỉ đồng phần còn lại của Nhà nước tại đó vào năm 2017, sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cũng trong buổi họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Sabeco và Habeco chưa niêm yết là chưa đúng Luật. Ông chia sẻ: "Thủ tướng yêu cầu 2 doanh nghiệp phải niêm yết ngay để có minh bạch về tài chính. Phải có giao dịch trên sàn chứng khoán, lấy giá giao dịch để dẫn chiếu, nghiên cứu thêm làm cơ sở đưa ra mức giá khởi điểm khi thoái vốn Nhà nước và cũng để thấy sức mua của nhà đầu tư”
Ông Dũng khẳng định "Niêm yết là chuyện bắt buộc chứ không phải có thể niêm yết hay không niêm yết".
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chia sẻ thêm với báo chí: "Theo quyết định 51 về thoái vốn và bán cổ phần của doanh đã quy định rất rõ, sau cổ phần hóa 90 ngày các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa là đã phải làm thủ tục ra soát công bố thành công ty đại chúng và nếu đủ điều kiện thì sau một năm phải niêm yết trên thị trường chứng khoán".
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải niêm yết trên sàn chứng khoán, phải đấu thầu, đấu giá công khai minh bạch với sự giám sát của người dân. Các doanh nghiệp Nhà nước chỉ cần giữ được thuơng hiệu, thu được lợi ích lớn nhất và sử dụng đồng tiền minh bạch vì lợi ích của người dân.
Minh Tâm