Đề xuất thêm phương án xây cầu Mỹ Thuận 2 gần 6.000 tỷ đồng bằng hình thức PPP
Theo phương án đề xuất mới nhất, Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng mức đầu tư 5.870 tỷ đồng sẽ chuyển từ hình thức vay ODA sang hình thức PPP trong đó phần vốn Nhà nước hỗ trợ là 2.500 tỷ đồng (chiếm 42,6%), dự kiến lấy trong nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư tuyến cao tốc Bắc Nam; phần vốn còn lại sẽ được nhà đầu tư huy động bằng vốn chủ sở hữu, vốn vay thương mại…
Dự kiến với mức giá dịch vụ đề xuất tại Dự án cầu Mỹ Thuận 2 là 20.000 đồng/xe tiêu chuẩn/lượt, nhà đầu tư có thể hoàn vốn trong khoảng 14 năm. Việc thu phí sẽ sử dụng các trạm thu phí của tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ bằng việc cộng thêm giá vé của cầu Mỹ Thuận 2 trong trường hợp các phương tiện lưu thông qua cầu.
Theo kế hoạch, nếu đầu tư theo PPP, Ban quản lý dự án 7 sẽ trình đề xuất Dự án vào tháng 11/2017; lập báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 3/2018; tuyển chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng BOT vào tháng 2/2019; đấu thầu xây lắp vào tháng 4/2019; thi công dự án từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2022.
Với phương án đầu tư PPP, Dự án cầu Mỹ Thuận sẽ hoàn thành sớm hơn 2 năm (2022) so với phương án đầu tư ODA, kịp hoàn thành đồng thời với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, đồng thời không làm phát sinh nợ công.
Cầu Mỹ Thuận 2 vượt sông Tiền sẽ nằm trong song song với cầu Mỹ Thuận hiện tại, cách khoảng 350 m về phía thượng lưu, có tổng chiều dài tuyến 7,15 km với điểm đầu tại Km100 + 750 (điểm giao giữa đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với Quốc lộ 30); điểm cuối tại Km107+9000 tại tỉnh Vĩnh Long (giao giữa đường cao tốc Mỹ thuận – Cần Thơ với Quốc lộ 80).