Đề xuất miễn giấy phép xây dựng cho dự án nhà ở có quy hoạch chi tiết
Dự án phát triển đô thị đã duyệt quy hoạch 1/500 cần được miễn giấy phép xây dựng | |
Miễn giấy phép xây dựng: Bộ Xây dựng nói gì? |
Bộ Xây dựng đề xuất miễn phép cho dự án nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500. |
Hiện Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến và đề xuất cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị.
Theo đánh giá của Bộ này, việc nghiên cứu, sửa đổi một số quy định của các Luật trên là nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, quy hoạch.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số điều của các Luật trên. Cụ thể, đối với Luật Xây dựng 2014, cơ quan này đề xuất bổ sung vào khoản 2 Điều 89 của Luật 3 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng: Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định đầu tư; Công trình xây dựng thuộc dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt và đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật/ thiết kế bản vẽ thi công; Công trình xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt dưới 20m2; biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt dưới 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn; bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt dưới 40m2.
Lý giải việc đề xuất đối tượng công trình miễn giấy phép xây dựng trên, Bộ này cho rằng, các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định đầu tư đã được quản lý thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công tương tự như các công trình thuộc dự án do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định đầu tư. Do vậy, việc miễn giấy phép xây dựng cho công trình này là cần thiết và hợp lý, đảm bảo tính tương thích về thẩm quyền quyết định đầu tư của những người đứng đầu các cơ quan nhà nước ở Trung ương.
Đối với công trình xây dựng thuộc dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt và đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật/ thiết kế bản vẽ thi công đã được quản lý thông qua việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và thẩm định thiết kế kỹ thuật/ thiết kế bản vẽ thi công. Ngoài ra, công trình quy mô lớn còn phải chịu sự kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa vào khai thác, sử dụng. Do vậy, cần bỏ giấy phép xây dựng đối với các công trình này nhằm đơn giản hóa thủ tục xây dựng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Đối với công trình xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt dưới 20m2; biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt dưới 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn; bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt dưới 40m2: Luật Quảng cáo năm 2012 đã miễn giấy phép xây dựng đối với các công trình này, nhưng Luật Xây dựng năm 2014 chưa cập nhật.
Giảm thời gian cấp phép xuống 20 ngày
Theo Bộ Xây dựng, Luật Xây dựng 2014 đã được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 18/6/2014. Theo quy định của Luật thì thời gian cấp giấy phép xây dựng của công trình là không quá 30 ngày, nhà ở riêng lẻ là không quá 15 ngày.
Trên thực tế, theo báo cáo của một số địa phương tại các buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Xây dựng thì thời gian thực hiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình chỉ từ 15 đến 20 ngày (điển hình như Bình Dương, Cần Thơ là 15 ngày; Vĩnh Long, Long An, Đà Nẵng là 15 đến 20 ngày).
Theo Bộ này, hiện nay nhờ việc áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa liên thông nên có thể giảm thời gian thực hiện cấp giấy phép xây dựng. Vì vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị thời gian thực hiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình giảm xuống còn 20 ngày.
Cụ thể, đề xuất giảm thời gian cấp phép xây dựng đối với công trình từ 30 ngày xuống còn 20 ngày để rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng (điểm e khoản 1 Điều 102).
Theo quy định của Luật Xây dựng 2014, hiện có 10 loại công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm: Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư; Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính; Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình.
Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này; Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình; Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc; Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt; Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.