Đề xuất di dời ga Hà Nội: Phải nhìn tổng thể, tránh chắp vá tùy tiện
Việc Công an Thành phố Hà Nội đề xuất di dời ga Hà Nội chỉ nhằm mục đích loại bỏ xung đột giao thông và giảm tai nạn giao thông đường sắt một lần nữa giúp chúng ta nhìn nhận lại quy hoạch giao thông lâu dài không chỉ riêng của ngành đường sắt mà còn là quy hoạch về bến bãi, giao thông đô thị của Hà Nội.
Cảnh ga Hà Nội về đêm. Ảnh MT. |
Mới đây, Sở GTVT cũng đã đề xuất đưa các bến xe liên tỉnh hiện nay ra khỏi nội đô và lấy phần đất hiện tại để làm các bến xe trung chuyển. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông đô thị, cần phải có sự nghiên cứu nghiêm túc, lâu dài chứ không thể quy hoạch theo kiểu chắp vá như vậy bởi nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đi lại của người dân.
Đừng quy hoạch kiểu hời hợt, chắp vá
Sở GTVT Hà Nội đã trình lên UBND Thành phố Hà Nội về việc chuyển 4 bến xe liên tỉnh hiện nay là: Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát và Nước Ngầm sau năm 2025 sẽ chuyển ra khu vực đường vành đai 4 thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội…
Trong khi thực tế về vận tải công cộng cũng như hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được việc kết nối, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cách tính toán hời hợt của Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận, quy hoạch bến xe của Hà Nội nói riêng và quy hoạch bến xe của Việt Nam mình rất kém, rất bị động.
Ga Hà Nội, khách sạn Cây Xoài là nơi ghi nhiều ký ức với người dân Thủ đô và du khách mỗi khi có việc đi lại bằng tàu hỏa. |
“Khi thấy bến xe đông khách, nhộn nhịp thì đuổi bến xe đi để cho trung tâm thương mại về đấy, không cần biết cái bến xe nằm ở đâu, quy hoạch mỗi một nhiệm kỳ lại một kiểu khác. Bến xe phải ở trung tâm đầu mối các khu dân cư chứ không phải là kiểu “thích thì cứ đẩy ra” như thế được. Việc làm này của Hà Nội này là sai lầm hết sức”, ông Thanh nói.
Giải câu chuyện kẹt xe là bài toán quy hoạch đô thị
Trở lại đề xuất di dời ga Hà Nội, phân tích của các chuyên gia đã chỉ rõ, ga Hà Nội có vai trò trung tâm kết nối giao thông đô thị nên di dời là điều không thể.
Ở một khía cạnh khác, Luật đường sắt (sửa đổi) và Luật Quy hoạch mà Quốc hội thông qua mới đây được xem là hành lang pháp lý quan trọng bảo vệ quy hoạch đường sắt trong tổng thể quy hoạch giao thông vận tải.
Theo các chuyên gia, di dời bến xe, nhà ga… phải nhìn nhận một cách tổng thể theo đúng Luật để tránh cho sự chắp vá tùy tiện trong quy hoạch.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng: “Giao thông từ trung tâm ra vùng ngoại vi thì ga Hà Nội có vị trí vô cùng quan trọng, nếu ai đó muốn đưa ga Hà Nội ra thì thay thế kết nối trung tâm với bên ngoài bằng cái gì?”.
Gần đây, ngành đường sắt cũng đã có nhiều thay đổi trong phục vụ hành khách. |
Theo TS. Phạm Sanh, nguyên Giảng viên trường Đại học Bách Khoa TP. HCM, hiện nay, theo xu thế thế giới, các ga đầu mối giao thông đặt càng gần trung tâm đô thị càng tốt. Ví dụ, ngày trước, từng có xu hướng đưa sân bay ra xa nhưng khoảng năm 20 trở lại đây, các nước họ đã “hối hận” bởi những tưởng đưa các sân bay ra xa trung tâm giảm kẹt xe nhưng lại gây kẹt xe nhiều hơn rồi còn gây nhiều thiệt hại khác nữa.
Với Việt Nam, hiện hầu hết các ga đường sắt đang nằm ở khu vực trung tâm của các đô thị, như vậy là hợp với xu thế chung của thế giới. Còn việc giải bài toán kẹt xe hay an toàn giao thông, cái chính là bài toán quy hoạch đô thị, đó là giải tỏa hành lang an toàn đường sắt, vấn đề kết nối giao cắt giữa đường sắt và đường bộ… “Nếu chúng ta có tiền có thể làm đường sắt trên cao hoặc tàu điện ngầm trong đô thị, vừa an toàn vừa không ảnh hưởng môi trường...”, TS. Phạm Sanh nói.
Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, về lý thuyết, theo công an thành phố Hà Nội thì việc di chuyển ga Hà Nội sẽ giảm bớt mức độ tập trung ở ga, nhưng xét về mặt vận tải, quy hoạch giao thông, nhìn nhận một cách khách quan, hợp lý và khoa học, thì việc di chuyển nhà ga là sai lầm.
“Cần tích hợp quy hoạch giao thông và quy hoạch tổng thể của vùng và của tỉnh, để từ đó đảm bảo không có tình trạng các địa phương tự động chuyển đất của đường sắt thành đất phát triển đô thị. Ở đây lại là yêu cầu đường sắt phải di dời ra chỗ khác. Cho nên hành lang pháp lý rất quan trọng để hỗ trợ cho ngành đường sắt giữ được cơ sở hạ tầng của mình và tránh sự lãng phí của xã hội”, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.
Rõ ràng, quy hoạch về bến bãi, nhà ga mà Hà Nội đang đề xuất đang có vấn đề, thiếu luận cứ, luận chứng để chứng minh cho mục đích di dời của mình sẽ mang lại hiệu quả về kết nối hạ tầng giao thông đô thị.
Các chuyên gia giao thông đô thị cảnh báo, nếu quản lý quy hoạch kém, phá vỡ kế hoạch phát triển giao thông đô thị thì chắc chắn không chỉ dừng lại ở việc gây khó khăn trong đi lại của người dân mà còn nảy sinh nhiều tiêu cực khác liên quan đến sử dụng đất đai, bởi diện tích đất cho bến xe, nhà ga hiện nay đều là đất vàng…
Những lợi thế vị trí 'đất vàng' của Ga Hà Nội Ga Hà Nội tọa lạc trên diện tích rộng tại số 120 Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm, với vị trí đắc địa, thuận lợi về ... |
ADB chưa đưa dự án đường sắt đô thị số 3 vào danh mục dự kiến tài trợ cho Việt Nam Theo Bộ KH&ĐT, ADB chưa đưa dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai vào danh mục ... |
Bảy nhà đầu tư 'đổ' vào các dự án đường sắt tỉ đô ở Hà Nội Bảy dự án đường sắt đô thị đã và đang chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 bằng vốn ODA và hình thức hợp ... |