|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đề xuất 'cởi trói' cho ngân hàng tham gia thị trường chứng khoán phái sinh

21:02 | 07/09/2017
Chia sẻ
Sau bước khởi đầu suôn sẻ của sản phẩm đầu tiên trên thị trường chứng khoán phái sinh là hợp đồng tương lai chỉ số, nhà đầu tư tổ chức đang nóng lòng muốn có sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Thế nhưng, nhu cầu này của họ chưa dễ được đáp ứng do vướng mắc từ phía Ngân hàng Nhà nước.
de xuat coi troi cho ngan hang tham gia thi truong chung khoan phai sinh
Mong đợi lớn của các ngân hàng là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ sớm đi vào vận hành và Ngân hàng Nhà nước mở đường cho họ tham gia

Nhu cầu lớn, nhưng cơ quan quản lý e ngại

“Không phải đợi kết quả giao dịch khá khả quan của sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số, mà ngay trước thời điểm thị trường chứng khoán phái sinh mở cửa ngày 10/8 vừa qua, chúng tôi đã mong muốn nhà quản lý và tổ chức thị trường đưa vào vận hành sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, để đáp ứng mong đợi lớn của nhà đầu tư tổ chức là ngân hàng thương mại như chúng tôi...”, lãnh đạo một ngân hàng lớn chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.

Chia sẻ sâu hơn về nhu cầu sử dụng sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, vị lãnh đạo ngân hàng trên cho biết, khối ngân hàng thương mại vẫn là nhà đầu tư nắm giữ danh mục trái phiếu chính phủ lớn nhất trên thị trường hiện tại.

Bởi vậy, các ngân hàng có nhu cầu lớn trong quản trị rủi ro cho danh mục trái phiếu mà họ đầu tư và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là một trong những công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả.

de xuat coi troi cho ngan hang tham gia thi truong chung khoan phai sinh

Tuy các ngân hàng hiện là thành viên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) có nhu cầu lớn trong sử dụng hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, nhưng việc tham gia thị trường chứng khoán phái sinh của họ đang gặp khó khăn, do theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trước khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.

Do thị trường này mới đi vào hoạt động, đồng thời quan ngại những rủi ro của thị trường này ảnh hưởng đến mức độ an toàn của hệ thống ngân hàng, nên theo phản ánh của các ngân hàng, hiện Ngân hàng Nhà nước có cái nhìn thận trọng với câu chuyện cấp phép cho các ngân hàng tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.

Trái ngược với sự quá thận trọng của Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo một ngân hàng lớn nhìn nhận, thực ra, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh giúp cho các ngân hàng thương mại giảm thiểu rủi ro tốt hơn. Thông qua hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, các ngân hàng sẽ có công cụ phòng vệ rủi ro hiệu quả…

Không chỉ các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư trái phiếu tuy quy mô còn khiêm tốn, nhưng họ cũng có nhu cầu cao trong sử dụng hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ để bảo vệ thành quả mà quỹ đạt được.

Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ đầu tư cho biết, hoạt động của quỹ đầu tư trái phiếu do công ty đang quản lý đạt hiệu quả đầu tư khá tốt tính từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, do không có công cụ phòng ngừa rủi ro, nên công ty đang tính phải chốt lời theo kiểu “ăn non”.

Trong khi nếu hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ được đưa vào vận hành, thì công ty không quá lo lắng và phải đi đến chốt lời sớm, bởi công ty có cơ hội sử dụng sản phẩm này để quản trị rủi ro cho danh mục đầu tư trái phiếu.

“Về nguyên tắc, khi sử dụng hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, không chỉ giúp nhà đầu tư bảo vệ thành quả đầu tư tốt hơn, mà còn giúp dòng tiền ở lại với thị trường lâu hơn, lành mạnh hơn, từ đó tác động tích cực đến tâm lý thị trường...”, vị lãnh đạo công ty quản lý quỹ trên nói.

VBMA gửi kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước

Trước nhu cầu lớn từ phía các ngân hàng thương mại trong sử dụng hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, VBMA vừa có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước đề xuất cấp phép cho các ngân hàng được giao dịch và hoạt động kinh doanh trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Ý kiến từ VBMA cho rằng, theo Nghị định 42/2015 quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, Thông tư 11/2016/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 23/2017/TT-BTC) của Bộ Tài chính, hướng dẫn một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP, các ngân hàng thương mại được tham gia hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh dưới các hình thức: đầu tư và giao dịch chứng khoán phái sinh với tư cách là thành viên giao dịch đặc biệt; cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh. Các tổ chức tín dụng khác và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được đầu tư vào chứng khoán phái sinh. Riêng chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được tham gia cung cấp cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.

Cũng theo VBMA, Nghị định 42/2015/NĐ-CP quy định một trong các điều kiện để ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng khác được tham gia vào các hoạt động kinh doanh trên thị trường chứng khoán phái sinh là phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

de xuat coi troi cho ngan hang tham gia thi truong chung khoan phai sinh

Tuy nhiên, cho tới nay, Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định nào hướng dẫn các ngân hàng thương mại về quy trình xin chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước khi muốn triển khai các hoạt động kinh doanh trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Trước thực trạng trên, VBMA đề nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn về nội dung cũng như quy trình cấp phép theo tinh thần của Nghị định 42/2015/NĐ-CP để các tổ chức tín dụng có thể lập hồ sơ xin phép tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh, nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, cũng như thực hiện chính sách phát triển thị trường chứng khoán của Chính phủ.

Ý kiến từ một số ngân hàng cho thấy, với quy định của pháp lý hiện hành, họ đã đáp ứng các điều kiện về tham gia thị trường chứng khoán phái sinh. Vấn đề là Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy trình cấp phép để họ sớm tham gia thị trường này.

Kỳ vọng nút thắt sớm được giải tỏa

Theo phản ánh của một số ngân hàng hiện là tổ chức đầu tư lớn trên thị trường trái phiếu chính phủ, về nguyên tắc, những người hoạch định chính sách để mở đường cho các ngân hàng tham gia thị trường chứng khoán phái sinh ở Ngân hàng Nhà nước phần nhiều mới nắm được rủi ro trên lý thuyết, chứ chưa được thực tiễn kiểm nghiệm. Bởi vậy, họ chưa thể yên tâm “bật đèn xanh” cho các ngân hàng tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.

Tuy nhiên, một diễn biến mới được các ngân hàng thương mại kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ sớm được đưa vào vận hành. Đó là việc ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước. Ông Hà hiện đang kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch VBMA.

Từ vị trí làm việc tại ngân hàng thương mại, nay chuyển sang cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng, ông Hà được đặt kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực trong đưa ra ý kiến tham mưu đủ sức thuyết phục lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mở đường cho các ngân hàng tham gia sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.

Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán từ phía HNX cho thấy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh, xét về mặt hạ tầng công nghệ, nhân sự, cũng như sản phẩm, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thể đưa hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ vào giao dịch cùng với hợp đồng tương lai chỉ số tại thời điểm mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh vào ngày 10/8/2017.

Thực tiễn cho thấy, khả năng tham gia thị trường của các nhà đầu tư, nhất là các tổ chức như ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng, cũng như có một số lý do kỹ thuật, nên đến nay nhà tổ chức và vận hành thị trường chưa đưa sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ vào giao dịch. Tuy nhiên, khi tín hiệu sẵn sàng tham gia thị trường của nhà đầu tư, nhất là khối ngân hàng trở nên rõ ràng, HNX sẽ đưa hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ vào niêm yết và giao dịch.

Nguyễn Hữu