Để 'chim sẻ' chiếm đất đặc khu, 'đại bàng' không còn chỗ làm tổ nữa!
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh nguyên là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh |
- Theo tính toán, 3 đặc khu dự kiến sẽ cần những nguồn đầu tư rất lớn, tới trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó, theo đề án các địa phương xây dựng, Phú Quốc dự kiến cần khoảng 40 tỷ USD, Vân Đồn thì khoảng 270.000 tỷ đồng… tới năm 2030. Bài toán thu hút vốn của các đặc khu có khả thi, thưa ông?
- Không phải hoang mang về vấn đề này. Hãy xem như cách làm của Quảng Ninh đấy, Nhà nước chỉ bỏ vốn mồi, còn lại tìm cách khác kéo vốn bên ngoài vào.
- Tại phiên thảo luận về dự án luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) tại Quốc hội ít ngày trước, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lại phân tích, việc lập các đặc khu không chỉ là hình thành các đơn vị hành chính thông thường mà là dự án đầu tư công lớn khi nhà nước phải dành ra nhiều nghìn km đất liền, vùng biển với tài nguyên thiên nhiên giàu đẹp để mời gọi đầu tư. Ngoài ra, Nhà nước đã đầu tư vào các khu vực này hàng trăm nghìn tỷ đồng làm đường sá, điện nước, sân bay, bến cảng... và sẽ đầu tư hơn 1,5 triệu tỉ đồng vào hạ tầng kỹ thuật. Ông không tán thành với ý kiến này?
- Tôi đã tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa rằng đây không phải dự án đầu tư công. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là Nhà nước không có gì tham gia vào đó, nhưng cái chúng ta đưa ra là chính sách, là cơ chế và vốn mồi của Nhà nước để rót vào những khâu thiết yếu để tạo môi trường, tạo cơ chế để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Quan trọng là phải kéo được những nhà đầu tư chiến lược, những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, có công nghệ, có tiềm lực vào đây. Tư duy, cơ chế cần phải đột phá lên. Ý nghĩa của đặc khu phải như thế.
- Một câu chuyện thời sự khác đang diễn ra tại 3 đặc khu tương lai khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng đề cập, dư luận cũng “sốt” là dù luật chưa được thông qua, mới chỉ có thông tin về việc lập đặc khu, đất đai tại Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong đã loạn sới. Khi nguồn lực cơ bản bị chia sẻ manh mún như vậy thì đặc khu sẽ thu hút đầu tư kiểu gì?
- Như ở Quảng Ninh thì những việc mua bán đất đai, dự án đã dừng lại hết rồi. Khi tôi còn công tác ở Quảng Ninh (nhiệm kỳ trước, ông Vũ Hồng Thanh là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh – PV) đã có chủ trương đó rồi. Còn đằng sau, thị trường “ngầm” thì cũng có thể có chuyện đó. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là chủ trương của lãnh đạo Quảng Ninh là dừng các hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất tại đây rồi.
Vừa rồi, anh Đọc, Bí thư Quảng Ninh đã trực tiếp xuống Vân Đồn, chỉ đạo dừng việc chứng nhận các giao dịch, chuyển nhượng, chờ Luật đặc khu rồi mới triển khai cái này cái kia.
Tôi khẳng định, ngay từ khi tôi còn ở Quảng Ninh đã dừng hết các dự án để dành đất cho đặc khu.
- Ở Phú Quốc, vừa qua, Chủ tịch huyện đảo này cũng đã bị khiển trách vì buông lỏng quản lý đất đai. Trong một hội thảo mới đây, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank, cũng khuyến cáo sẽ có một “cuộc đua xuống đáy” với 3 đặc khu. Lo lắng này có cơ sở không và việc đó ảnh hướng thế nào tới tương lai của các đặc khu, thưa ông?
- Trong báo cáo thẩm tra Luật đặc khu cũng đã có cảnh báo về chuyện đó rồi. Chúng ta phải làm sao đó để dừng lại hiện tượng này, nếu không đất đã “sốt” lên rồi, đã mua bán, sang nhượng hết thì sau này sẽ không còn gì để thu hút, để kéo nhà đầu tư vào. Dứt khoát phải dừng lại chuyện đó.
Tất nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng dừng lại việc này thì thế nọ thế kia nhưng nếu để các thế lực ngầm thôn tính hết đất thì sau này khi các “đại bàng” đến sẽ không còn chỗ “làm tổ” vì “chim sẻ, chim sâu” chiếm hết đất rồi.
- Vậy còn lo ngại về việc chuyển dịch kinh tế khi nhà đầu tư dồn hết vào các đặc khu khi nhiều ưu tiên, ưu đãi được dành hết cho những khu vực vốn đã có rất nhiều lợi thế này khiến các địa phương khác không thu hút được các nguồn lực cần thiết thì sao, thưa ông?
- Thì phải có sàng lọc chứ. “Đại bàng” vào đây thì những “chim sẻ, chim sâu” thì phải vào chỗ khác.
- Xin cảm ơn ông!