|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

ĐBQH: 'Vốn đầu tư dự án công ban đầu là con chuột nhắt nhưng sau biến thành voi ma mút'

17:49 | 28/05/2018
Chia sẻ
ĐBQH Nguyễn Anh Trí lấy dự án nạo vét sông Sào Khê, Ninh Bình làm ví dụ cho việc dự án đầu tư công nước ta đang tồn tại hiện tượng "đầu chuột đuôi voi" khi dự án này điều chỉnh vốn từ 72 tỷ đồng lên gần 2.600 tỷ đồng.
dbqh nguyen anh tri von dau tu du an cong ban dau la con chuot nhat nhung sau bien thanh voi ma mut Nhiều dự án công đội vốn nghìn tỷ: Ai chịu trách nhiệm?

Kinh phí dự án đầu tư công xảy ra hiện tượng "đầu chuột đuôi voi"

Tại buổi họp Quốc hội chiều nay (ngày 28/5), hội trường thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 - 2016.

dbqh nguyen anh tri von dau tu du an cong ban dau la con chuot nhat nhung sau bien thanh voi ma mut
Ông Nguyễn Anh Trí, ĐBQH đoàn Hà Nội.

Phát biểu trước hội trường, ĐBQH đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí góp ý về nội dụng quản lý sử dụng vốn nhà nước. Khi nói về kinh phí đầu tư cho các dự án công, ông cho rằng đang có hiện tượng "đầu chuột đuôi voi" và dẫn chứng dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình): kinh phí phê duyệt ban đầu là 72 tỷ đồng, sau đó nợ dần lên gần 2.600 tỷ đồng.

"Như vậy là quá sức tưởng tượng. Cả thế giới khó tìm ra được loại bột nở nào mà khiến kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau lại biến thành con voi, mà lại là voi ma mút như vậy. Nhưng ở Việt Nam có không ít dự án nợ dần như vậy trong tất cả các lĩnh vực đường sá, cầu cống, nhà máy, trường học, tượng đài, bệnh viện - cả vật thể và phi vật thể, mà toàn là trăm, ngàn tỷ cả. Ngân sách hàng năm mà Quốc hội thông qua đều được phân bổ hết, vậy Chính phủ lấy kinh phí ở đâu để bù vào?", ông Trí gay gắt đặt câu hỏi.

dbqh nguyen anh tri von dau tu du an cong ban dau la con chuot nhat nhung sau bien thanh voi ma mut
Dự án nạo vét sông Sào Khê, Ninh Binh có tổng mức đầu tư ban đầu 72 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh tăng gấp 36 lần, lên mức gần 2.600 tỷ đồng. (Ảnh: Lao động)

Trong phần tranh luận, ông Bùi Văn Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng không hẳn các dự án điều chỉnh vốn đầu tư là "có mờ ám". Như ở dự án nạo vét sông Sào Khê, dự án bắt đầu từ năm 2011 với mục tiêu nạo vét sông phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, nhưng do dòng sông chạy qua lõi di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình cũng là vùng đất du lịch nên dự án được điều chỉnh lại vốn đầu tư nhằm không chỉ đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, mà còn tôn tạo cố đô Hoa Lư, phục vụ giao thông thủy và phát triển du lịch Ninh Bình.

Ông Phương đánh giá: "Tuy nhiên, số vốn nhà nước bỏ ra làm dự án này chỉ hơn 1.400 tỷ đồng, số còn lại được huy động từ nguồn xã hội hóa. Dự án có ý nghĩa lớn với sự phát triển của tỉnh như vậy thì việc điều chỉnh đầu tư là hợp lý".

Ngoài vấn đề sử dụng vốn, ông Nguyễn Anh Trí còn đề cập đến vấn đề chậm tiến độ của nhiều dự án do thiếu sâu sát, thiếu quyết tâm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, gây lãng phí, mất cơ hội và thiệt hạ rất lớn.

"Những cán bộ làm dự án thường dùng thì hiện tại tiếp diễn kéo dài - thì vốn không có trong ngữ pháp tiếng Việt, để báo cáo công việc ở các dự án đầu tư công. Họ thường nói 'chúng tôi đang thúc đẩy tiến độ nhưng không biết bao giờ mới xong, chúng tôi đang gọi điện cho nhà thầu'...", ông Trí nêu ví dụ.

Hay như tình trạng các dự án đầu tư công không hiệu quả khá phổ biến trong giai đoạn 2011 - 2016. Dù kinh tế Việt Nam đang khởi sắc nhưng thu không bù nổi chi, nhiều lĩnh vực đang rất cần vốn, nhiều địa phương còn rất khó khăn, những cung đường Tây Bắc, Tây Nam vẫn rất khó đi, vẫn còn những gia đình 5 người nhưng bữa cơm chỉ 15.000 đồng...

12 dự án của ngành Công Thương với tổng vốn đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng vừa qua được chính Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận cho thấy rất rõ thực trạng này. Đến nay, trong số đó chỉ có 2 dự án bắt đầu làm ăn có lãi, còn 10 dự án đều trong tình trạng chưa xong, chậm tiến độ hoặc đắp chiếu, càng làm càng lỗ. Vị ĐBQH đoàn Hà Nội nhìn nhận, điều này rất ít gặp ở các doanh nghiệp tư nhân.

Về công tác cổ phần hóa DNNN, ông Trí cũng nhắc lại 5 vướng mắc mà Chính phủ đã nêu ra như: do diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, cần thời gian sắp xếp, vướng mắc của hệ thống pháp luật, nhận thức của cán bộ về chủ trương cổ phần hóa và do năng lực quản lý điều hành của cán bộ quản lý chưa theo kịp.

"Tuy nhiên, chúng tôi thấy nguyên nhân chậm tiến độ và kém hiệu quả, trước hết là do thiếu quyết liệt. Nhiều người có trách nhiệm cổ phần hóa còn lúng túng, mơ hồ, thiếu quyết tâm, hơn nữa còn lo lắng vị trí của mình sau cổ phần hóa. Cử tri mong muốn Đảng và Chính phủ theo Nghị quyết Trung ương 7 loại bỏ bộ phận này để kết quả cổ phần hóa DNNN tốt hơn", ông nói.

Vị này cũng cho rằng, sự chậm trễ, thất thoát trong công tác cổ phần hóa còn do lợi ích nhóm, hiện tượng xẻ thịt DNNN để mang lợi ích cho chính cá nhân, bạn bè và gia đình mình. Ông mong Chính phủ vào cuộc nghiêm khắc để ngăn chặn tình trạng trên.

Sự việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình trong quá trình đầu tư đã được nhắc đến trong báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước. Tổng mức đầu tư dự án này đã được điều chỉnh từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng, gấp 36 lần tổng mức đầu tư ban đầu.
dbqh nguyen anh tri von dau tu du an cong ban dau la con chuot nhat nhung sau bien thanh voi ma mut Nhiều dự án công đội vốn hàng chục nghìn tỷ tại Ninh Bình

N. Lê