|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đẩy mạnh sản xuất điều sạch

22:00 | 29/01/2017
Chia sẻ
Ngành điều đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong nước, đặc biệt là điều sạch, điều hữu cơ nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến, gia tăng giá trị cho hạt điều Việt Nam.
Nông dân thu hoạch điều. Ảnh: ST

Mối lo thiếu nguyên liệu

Năm 2016 các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam đã thu mua, nhập khẩu và chế biến được khoảng 1,5 triệu tấn hạt điều thô. Trong đó, hơn 70% là điều thô nhập khẩu với 1,06 triệu tấn, lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó phần lớn là từ các thị trường như Bờ Biển Ngà (422.000 tấn, tăng 40% so với năm 2015 và chiếm 45% tổng lượng điều nhập khẩu của Việt Nam), tiếp đó là Nigeria, Benin, Ghana, Guinea Bissau...

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), nhập khẩu điều thô của châu Phi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều trường hợp hợp đồng đã ký, mở L/C nhưng đối tác không thực hiện hợp đồng, tình trạng trì hoãn giao hàng diễn ra phổ biến. Do nhu cầu mua lớn và mức độ cạnh tranh trên thị trường, nhiều thời điểm giá điều thô nhập khẩu đã bị đẩy lên cao kỷ lục. Điều này đặt ra nhu cầu cấp bách về việc phát triển nguyên liệu điều trong nước.

Trong khi đó, sản lượng điều trong nước của Việt Nam trong niên vụ 2015-2016 đã giảm khoảng 10% so với niêm vụ trước. Nguyên nhân là do hiện tượng thời tiết El Nino, mùa vụ đến trễ và chín rải rác, năng suất điều giảm. Kéo theo đó, giá điều thô trong nước tại Việt Nam cũng tăng cao nhất từ trước đến nay. Đến cuối vụ, giá điều khô Việt Nam nhập kho đã bị đẩy lên trên 2.200 USD/ tấn.

Theo VINACAS, đến hết tháng 12-2016, ngoại trừ các cơ sở chế biến lớn đã thu mua và nhập khẩu đủ nguyên liệu để sản xuất tới giáp vụ 2017 thì phần lớn các cơ sở chế biến điều quy mô nhỏ và vừa tại vùng nguyên liệu phải đóng cửa nghỉ sớm do hết nguyên liệu chế biến.

Do sức hút của ngành điều, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường, đầu tư cơ sở chế biến điều tại Việt Nam. Đặc biệt một số cơ sở đã mọc lên ở dọc khu vực biên giới giáp với Trung Quốc... Xu hướng mua bán và sát nhập doanh nghiệp diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và mạnh mẽ hơn.

VINACAS cho rằng, hiện tượng một số doanh nghiệp chế biến lớn quan tâm đầu tư nhiều hơn trong thương mại điều thô và điều nhân thay vì tập trung vào công tác chế biến đã là nguy cơ dẫn đến những xáo trộn trên thị trường thời gian qua và ảnh hưởng không nhỏ đến sự chuyển dịch trong chuỗi giá trị ngành điều.

Cam kết sản xuất sạch

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa mưa bão năm 2016 - 2017 sẽ kết thúc muộn và diễn biến thời tiết sẽ khá bất thường. Do đó, việc sản xuất điều trong năm 2017 sẽ đối mặt với không ít khó khăn.

Trước tình hình đó, VINACAS đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành điều. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều sẽ đồng hành cùng nông dân thực hiện đề án “ghép cải tạo – thâm canh điều”. Mục tiêu là đến năm 2020 sản lượng điều thu hoạch của Việt Nam sẽ đạt 600.000 tấn hạt điều thô, tăng đáng kể so với năm 2016.

VINACAS cũng vận động các doanh nghiệp liên kết với các chủ trang trại, câu lạc bộ, hợp tác xã trồng điều sạch, điều hữu cơ… Theo cam kết của VINACAS, ngay từ năm 2016, 100% sản phẩm của các thành viên VINACAS đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện tại, nông dân trồng điều các tỉnh đã tập trung thâm canh, ghép cải tạo vườn điều, tái canh thay thế những cây trồng khác không hiệu quả bằng cây điều. Hiện không còn hiện tượng bà con nông dân chặt cây điều đang cho năng suất tốt như những năm trước đây.

Cùng với đó, tại nhiều tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai, đã bắt đầu hình thành những hợp tác xã trồng điều sạch hữu cơ. Một số doanh nghiệp cũng quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, trồng điều sạch hữu cơ để xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài có nhu cầu.

Ngoài ra, với sự hỗ trợ của dự án của Pháp, tỉnh Bình Phước đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hạt điều của địa phương để giúp nổi bật những giá trị khác biệt, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cho hạt điều Bình Phước, đem lại thu nhập ngày càng cao cho bà con nông dân trồng điều.

Nguyễn Hiền