|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đầu tư start-up cho Fintech đạt 129 triệu USD năm 2016

14:22 | 24/03/2017
Chia sẻ
2016 có thể được coi là năm đáng chú ý của start-up Việt khi có tới 7 giao dịch vượt mốc 10 triệu USD, bên cạnh việc tổng giá trị các khoản đầu tư tăng đáng kể so với năm 2015.
dau tu start up cho fintech dat 129 trieu usd nam 2016 Start-up Việt huy động được 250 triệu USD trong năm 2016
dau tu start up cho fintech dat 129 trieu usd nam 2016 10 sự kiện nổi bật của start-up Việt năm 2016

Theo báo cáo công bố ngày 22/3 của Topica, Ngành Công nghệ Tài chính (Fintech) tại Việt Nam đã thu hút được 129 triệu USD trong năm 2016, nhiều hơn tổng giá trị của tất cả các lĩnh vực khác. Báo cáo cũng cho thấy Việt Nam đã có những bước đột phá trong các giao dịch khởi nghiệp trong năm 2016 với tổng trị giá 205 triệu USD, tăng gần 46% so với 137 triệu USD vào 2015. Năm 2016 chứng kiến số lượng khoản đầu tư cho start-up Việt giảm, song giá trị trung bình của mỗi giao dịch lại tăng đáng kể.

Một nửa các giao dịch liên quan tới việc mua lại

Theo báo cáo, các hợp đồng mua lại chiếm 50% tổng giá trị thỏa thuận của startup Việt và lên tới 110 triệu USD. Thương vụ mua lại đáng chú ý nhất trong năm 2016 là việc NTT mua lại dữ liệu của cổng dịch vụ thanh toán Payoo. Số tiền được chi ra từ thương vụ này không được tiết lộ.

Bên cạnh đó, một thương vụ cũng đáng chú ý không kém là việc mua lại 62,5% của E-pay của công ty UTC đến từ Hàn Quốc. UTC đã phải chi ra 34 triệu USD cho thương vụ này.

Trong số các thương vụ khác, VNG gây chú ý bằng sự trở lại với ngành thương mại điện tử thông qua việc mua lại 38% cổ phần của Tiki, trị giá 17 triệu USD. Thương vụ này của VNG cho thấy tổng trị giá của Tiki hiện ở mức 45 triệu USD.

Central Group, bên cạnh việc mua lại mảng bán lẻ của Nguyễn Kim và Big C, cũng đã hoàn thành việc sở hữu Zalora. Singapore Property Guru cũng mua lại nền tảng bất động sản lớn nhất tại Việt Nam, Batdongsan.

Fintech lên ngôi

Trong lĩnh vực Fintech, các công ty mới thành lập như Payoo, VNPT E-pay, Momo và F88 là những cái tên được định giá cao nhất. Mặc dù thương mại điện tử vẫn là lĩnh vực hoạt động tích cực nhất với 12 hợp đồng được hoàn thành vào năm ngoái, tổng giá trị mảng này chỉ đạt 34.7 triệu USD.

Công nghệ Giáo dục (Edtech) là một trong những ngành có sự tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2016, hoàn thành 6 giao dịch và nhận hơn 20 triệu USD đầu tư. Edtech chính là lĩnh vực startup phát triển nhanh thứ hai, sau Fintech.

Ngành Công nghệ Truyền thông (Mediatech) năm 2016 chỉ hoàn thành 4 giao dịch với tổng cộng 4 triệu USD, giảm đáng kể so với năm 2015 (15 giao dịch và 15 triệu USD).

dau tu start up cho fintech dat 129 trieu usd nam 2016
Những thương vụ đáng chú ý nhất của start-up Việt trong năm 2016. Ảnh: Topica.

Vòng gọi vốn tăng trưởng chiếm số lượng lớn

70% lượng đầu tư trong năm 2016 tập trung ở vòng gọi vốn tăng trưởng (Series A) và vòng hạt giống, tương đương khoảng 29,1 triệu USD. F88, chuỗi cửa hàng cầm đồ có trụ sở tại Hà Nội đã huy động được 10 triệu USD từ Mekong Capital. GotIt, start-up trong lĩnh vực Edtech chuyên về giải pháp giúp học sinh làm bài tập về nhà, nhận được 9,1 triệu USD đầu tư từ Capricorn.

Đối với vòng gọi vốn Series B, dịch vụ ví điện MoMo đã được đầu tư thêm 28 triệu USD từ Goldman Sachs và Standard Chartered. Theo thống kê, các vòng gọi vốn Series B, Series C, đầu tư thiên thần và vòng mua lại lần lượt chiếm 8%, 4%, 4% ,14% giá trị các khoản đầu tư cho start-up Việt trong năm 2016.

Các nhà đầu tư nước ngoài lên tiếng

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các thương vụ quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD) tiếp tục chiếm phần lớn tổng số lượng các giao dịch. Giao dịch lớn hơn 5 triệu USD không thay đổi nhiều so với năm 2015 về số lượng (11 năm 2015 và 10 năm 2016), song đã tăng 60% về giá trị (63 triệu USD năm 2015 và 100 triệu USD năm 2016).

Về mặt giá trị của các khoản đầu tư, báo cáo của Topica chỉ ra rằng các quỹ nước ngoài đã vượt mặt các đơn vị trong nước. UTC, Standard Chartered PE, Goldman Sachs và NTT Data là những nhà đầu tư mạo hiểm lớn nhất trong năm 2016 tại Việt Nam.

Cyber Agent và Mekong Capital là những đơn vị đầu tư tích cực nhất trong năm 2016 khi mỗi bên đều triển khai 3 thương vụ. CyberAgent tiếp tục thể hiện phong cách của nhà đầu tư chuyên về giai đoạn đầu của các dự án với ViCare, Jupviec, và Kyna. Trong khi đó, Mekong Capital đầu tư vào ba công ty ở giai đoạn tăng trưởng là F88, Wrap & Roll, và ABA Cool-trans với tổng số tiền 21 triệu USD.

So với 1 năm trước, số lượng giao dịch của các start-up Việt giảm từ 67 xuống còn 50 trong năm 2016. Mặc dù vậy, 2016 vẫn có thể được coi là năm đáng chú ý khi có tới 7 giao dịch vượt mốc 10 triệu USD, bên cạnh việc tổng giá trị các khoản đầu tư tăng đáng kể so với 1 năm trước.

Tô Đức