Đầu tư nhà đất phía Đông Hà Nội: Không có chuyện thành tỷ phú sau một đêm
Tâm lý ngại mua nhà bên kia cầu là nhân tố cản trở thị trường bất động sản Đông Hà Nội |
Sau khi Hà Nội công bố kế hoạch xây dựng 4 cây cầu qua sông Hồng và sông Đuống là cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Giang Biên và cầu Đuống 2, thị trường nhà đất phía Đông Hà Nội thuộc các quận Long Biên, Đông Anh và Gia Lâm lại chộn rộn.
Thậm chí, đã xuất hiện ý kiến cho rằng, những khu đất quanh những cây cầu này sẽ tăng theo "cấp số nhân".
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills cho biết, trong thời gian tới, khi thành phố xây dựng thêm các cây cầu nối trung tâm thành phố với bên kia sông Hồng sẽ là cơ hội rất lớn cho bất động sản phát triển, thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội phát triển ở khu vực phía Đông.
Trước đây khu vực phía Đông Hà Nội gặp rất nhiều vấn đề khó khăn về cơ sở hạ tầng giao thông nhưng hiện nay giao thông tại khu vực này đang và đang được cải thiện rất nhiều với các dự án giao thông lớn như cầu Đông Trù, cầu Vinh Tuy và cầu Thanh Trì.
Bà Hằng cho rằng, lõi đô thị Hà Nội sẽ mở rộng và đang bao gồm cả khu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh.
Phía Đông cần hội tụ thêm các điều kiện khác nữa để phát triển bất động sản cân bằng với các hướng khác của thành phố. Còn trong hiện tại, các nhà đầu tư vẫn cần hết sức thận trong khi xem xét các khía cạnh đầu tư tại khu vực này.
Theo bà Hằng, thông tin quy hoạch được đưa ra bao giờ cũng thu hút được sự chú ý của dư luận, nhiều nhà đầu tư mang tâm lý đám đông phải quyết định mua “ngay và luôn” không thì quá muộn.
"Song, trên thực tế chúng ta phải chờ đợi rất lâu quy hoạch phát triển mới mới trở thành hiện thực. Từ kế hoạch đến thực tiến cần một thời gian rất dài. Nhiều khi tưởng là sốt ngay nhưng không phải hoặc là sốt đấy những lại là sốt ảo", bà Hằng nhận định.
Nhà tư vấn này khuyên các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng những thông tin về quy hoạch, pháp lý, triển vọng của khu vực trước khi xuống tiền đầu tư.
"Không nên nóng vội bởi sẽ không có câu chuyện trở thành tỷ phú chỉ sau một đêm như trước đây mà có thể sẽ là câu chuyện ngược lại," bà Hằng cảnh báo
"Chỉ có hạ tầng giao thông với 5 cây cầu thôi chưa đủ để bất động sản phát triển nóng mà cần thêm nhiều yếu tố khác từ tiện ích xã hội, hạ tầng... Do đó, phía Đông cũng không thể phát triển trong một sớm một chiều mà cần có thời gian", bà Hằng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản CBRE Việt Nam cho biết: "Hiện tại, hạ tầng Long Biên đã rất tốt, nếu có các dự án kết nối từ Long Biên đến khu vực trung tâm Hà Nội, giá trị bất động sản tại khu vực này có thể còn tiếp tục tăng lên".
Tuy nhiên, bao giờ tăng và tăng bao nhiêu thì chúng ta không thể biết trước được. Nếu thị trường tốt hơn có thể tăng từ 3 - 5% về giá, nhưng nếu chúng ta kỳ vọng tăng 10 -20% trong vòng thời gian ngắn 6 tháng hay một năm thì rất khó.
Bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc CBRE Hà Nội cũng cho rằng, thị trường bất động sản phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào các chính sách của Chính phủ, hệ thống hạ tầng và dịch vụ tiện ích.
Trước đây khi Hà Nội có chủ trương phát triển mở rộng ra phía Tây thành phố và có kế hoạch chuyển nhiều cơ quan nhà nước, trụ sở bộ ngành, trường học... ra khu vực này nên bất động sản phía Tây đã "lên cơn sốt".
"Tuy nhiên, nhận định bất động sản khu vực phía Đông có phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới hay không tại thời điểm này vẫn còn quá sớm", bà Trang chia sẻ.
Hiện tại, phía Đông và phía Bắc Hà Nội đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như Him Lam, Vingroup, BRG, Vihajico, Sungroup, Eurowindow và Hải Phát. Một số dự án nhà ở đang chào bán bao gồm Vinhomes Riverside - The Harmony, Eurowindow Riverpark và Northern Diamond.
Đất thổ cư phía Đông Hà Nội 'lên cơn sốt' sau tin xây 4 cây cầu
Thông tin Hà Nội dự định xây liên tiếp 4 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng từ nội thành theo hướng phía Đông và ... |