Liên tiếp trong các tháng qua, đầu tiên là công ty Meyer Burger, giờ đến Solarwatt và cả Heckert Solar, hoạt động sản xuất năng lượng Mặt Trời tại Đức chỉ diễn ra cầm chừng.
Bắt đầu từ cuối tháng Tám tới, dây chuyền sản xuất của Solarwatt, công ty có trụ sở tại thành phố Dresden, sẽ tạm dừng. Quyết định này vừa được thông báo trong cuộc họp công ty sáng ngày 29/4. 190 việc làm sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ông Detlef Neuhaus, Tổng giám đốc (CEO) của Solarwatt, giải thích về động thái này trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo tài chính Handelsblatt: “Trong tình hình hiện nay, việc vận hành sản xuất ở Đức là cực kỳ khó khăn về mặt kinh tế và chúng tôi không thể làm khác được“.
Việc đóng cửa sản xuất ở thời điểm hiện tại là một quyết định khó khăn của ban lãnh đạo công ty nhưng họ có rất ít hy vọng rằng mọi thứ sẽ thay đổi. Đây là lần thứ hai sản xuất năng lượng Mặt Trời - một công nghệ tương lai có tầm quan trọng chiến lược – lâm vào ngõ cụt.
Ngành công nghiệp năng lượng Mặt Trời của Đức đã lên tiếng kêu cứu trong nhiều tháng qua. Do Chính phủ liên bang không thể đạt được thỏa thuận nên sáng kiến lập pháp xung quanh “Gói năng lượng Mặt Trời I” được Quốc hội Đức thông qua cuối tuần trước mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào đối với các nhà sản xuất.
Quyết định này đã gây sốc sâu sắc trong toàn ngành. Một số người trong giới chính trị thực ra đã mong muốn một kết quả khác, trong đó có Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Robert Habeck. Chính trị gia thuộc đảng Xanh này đã bày tỏ mong muốn trong gói chính sách về năng lượng Mặt Trời có phần hỗ trợ khả năng phục hồi, giúp giảm bớt chênh lệch giá với các mô-đun năng lượng Mặt Trời Trung Quốc và giữ chân các công ty Đức trên thị trường.
Mặc dù vậy, sau nhiều tuần thảo luận, giới chính trị vẫn không đạt được thống nhất về vấn đề này. Đặc biệt, đảng Dân chủ Tự do (FDP) lên tiếng kịch liệt phản đối viện trợ cho ngành năng lượng Mặt Trời.
Bộ trưởng Habeck hiện chỉ hy vọng cuộc thảo luận chính sách sẽ được mở lại với “Đạo luật công nghiệp không phát thải (Net Zero)” của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có tuyên bố ngành công nghiệp năng lượng Mặt Trời cần được duy trì tồn tại ở châu Âu. Ông Habeck hy vọng rằng các công ty trong nước sẽ cầm cự được ít nhất cho đến lúc đó.
Tuy nhiên, một người trong ngành cho biết, đây là dấu chấm hết chính thức cho ngành năng lượng Mặt Trời của Đức.
Mặc dù nhu cầu về mô-đun năng lượng Mặt Trời đang ở mức cao kỷ lục nhưng ngành quang điện châu Âu lại đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng.
Nhiều tháng trước, ngành này đã cảnh báo về hậu quả của sự gia tăng nhanh chóng lượng mô-đun giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường châu Âu.
Trong vòng một năm, giá hệ thống trên thị trường năng lượng Mặt Trời đã giảm đến gần 56%, từ mức 30 xu/wp xuống còn 13 xu (wp là đơn vị đo năng lượng điện/công suất tối đa có thể được cung cấp bởi một tấm pin năng lượng Mặt Trời trong điều kiện tối ưu về nhiệt độ và ánh nắng tiêu chuẩn).
Nhà kinh tế học Jens Südekum của Đại học Heinrich Heine ở Düsseldorf nhận xét, thị trường năng lượng Mặt Trời hiện đang hỗn loạn, vì Mỹ không còn cho phép mô-đun của Trung Quốc, Ấn Độ cũng vậy, nên các hệ thống này hiện đang được bán phá giá trên thị trường châu Âu - mức giá mà không nhà sản xuất nào có thể sản xuất có lãi được.
Kể cả các công ty dẫn đầu thị trường của Trung Quốc cũng bắt đầu cảm nhận được tác động của cạnh tranh tàn khốc. Một số nhà cung cấp bắt đầu vỡ nợ. Khoảng 90% hệ thống năng lượng Mặt Trời bán ở châu Âu được sản xuất tại Trung Quốc trong khi chỉ chưa tới 1% được sản xuất tại châu Âu.
Cho đến gần đây, nhà sản xuất năng lượng Mặt Trời lớn nhất còn lại ở châu Âu là Meyer Burger của Thụy Sỹ. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường, công ty đã ngừng sản xuất mô-đun ở Freiberg, bang Saxony (Sachsen), Đức, vào cuối tháng Ba và thay vào đó sẽ sản xuất tại Mỹ trong tương lai.
Nhà máy sản xuất pin năng lượng Mặt Trời ở vùng Talheim lân cận có thể cùng chung số phận. Nhà sản xuất kính năng lượng Mặt Trời cuối cùng ở châu Âu, GMB Solar, cho biết cũng sắp đóng cửa nhà máy.
Cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng đến cả nhiều công ty bên ngoài nước Đức: Nhà sản xuất tấm màng và phôi silicon đơn tinh thể Norwegian Crystals AS đã nộp đơn xin phá sản vào năm ngoái, cũng như nhà sản xuất pin Mặt Trời Energetica của Áo. Norsun, cũng là một nhà sản xuất tấm màng và phôi silicon đơn tinh thể của Na Uy, đã ngừng sản xuất và tuyên bố cắt giảm việc làm. Exasun của Hà Lan nộp đơn xin phá sản hồi tháng Một.
Solarwatt của Đức cũng sa thải 85 nhân viên cuối năm ngoái và nay số sa thải có thể sẽ cao hơn đáng kể. Công ty này muốn đào tạo lại càng nhiều nhân viên càng tốt vì họ đã chuyển trọng tâm hoạt động kinh doanh vào việc bán và vận hành hệ thống quản lý năng lượng cũng như bán và lắp đặt các hệ thống năng lượng Mặt Trời do bên ngoài sản xuất trong khi sản xuất mô-đun chỉ còn chiếm một phần nhỏ.
Tuy nhiên, công ty vẫn cần giữ lại một đội ngũ kỹ sư nòng cốt. Nếu các điều kiện chung được cải thiện, Tổng giám đốc Neuhaus muốn tăng cường sản xuất trở lại.
Trước đây, Solarwatt đã từng dừng sản xuất. Năm 2014, hoạt động sản xuất bị đình trệ trong hai năm - sau cuộc khủng hoảng năng lượng Mặt Trời lớn đầu tiên khiến vô số công ty ở Đức phá sản và hàng chục nghìn việc làm mất đi. Vào thời điểm đó, các nhà cung cấp giá rẻ từ Trung Quốc cũng gia tăng, trong khi các chính trị gia lại giới hạn đáng kể mức giá điện được nhà nước bảo đảm cho điện xanh.
Các nhà sản xuất vốn quen với hưởng trợ cấp đã không thể phản ứng nhanh nhạy kịp thời. Kết quả là một sự chấm dứt bẽ bàng cho ngành năng lượng sạch, ở đúng nơi khai sinh ra quá trình chuyển đổi năng lượng. Solarwatt, Meyer Burger, Heckert Solar và SMA Solar là một vài doanh nghiệp trong số ít sống sót sau cuộc khủng hoảng này.
Cuộc khủng hoảng thứ hai hiện nay dường như đang xoá sổ nốt lĩnh vực sản xuất điện Mặt Trời của Đức.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Südekum lại đánh giá đây là một sự phát triển tự nhiên: “Thị trường đã phát triển vượt bậc trong 20 năm qua. Mô-đun năng lượng Mặt Trời đã trở thành một sản phẩm đại chúng, nên sau đó sản xuất được chuyển sang Trung Quốc". Theo ông, hợp lý là để lại một công suất tối thiểu nhất định ở châu Âu cho nghiên cứu và đổi mới, nhưng cũng không nhất thiết là phải ở Đức.
Trên thực tế, có hai sáng kiến lớn ở cả Italy và Pháp nhằm thiết lập hoạt động sản xuất mô-đun quy mô lớn hơn ở châu Âu. Trong khi công ty năng lượng Enel của Italy muốn mở rộng công suất nhà máy ở Sicily từ 200 MW hiện tại lên 3 GW vào cuối năm nay thì công ty năng lượng Mặt Trời Carbon của Pháp thậm chí còn có kế hoạch thiết lập công suất 20 GW vào năm 2030.
Và Holosolis, một doanh nghiệp do vài công ty châu Âu sáp nhập lại, muốn thành lập cơ sở sản xuất pin năng lượng và mô-đun năng lượng với công suất 5 GW ở Hambach, Pháp.
Các công ty ở Pháp được chính phủ hỗ trợ nên các nhà phát triển công viên năng lượng Mặt Trời nước này phải cam kết mua ít nhất 30% mô-đun sản xuất tại châu Âu. Theo giới công nghiệp, các đề xuất tương tự đã bị từ chối ở Đức trong nhiều năm bởi sự can thiệp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Các nhà sản xuất lớn còn sót lại ở Đức không thể thông cảm cho chính sách của chính phủ. Tổng giám đốc Solarwatt, Neuhaus, lý giải rằng sản xuất mô-đun là xuất phát điểm của công ty, là một phần bản sắc của họ và là nơi họ đặt hết tâm tư tình cảm vào.
Bốn năm sau khi ngành năng lượng Mặt Trời của Đức tuyên bố trở lại mạnh mẽ, cái chết lần hai của ngành này dường như đã được ấn định. Việc quay trở lại như xưa là điều không tưởng nếu không có sự hỗ trợ chính trị. Và Chính phủ liên bang đã nói rõ rằng sẽ không còn sự giúp đỡ nào cho ngành năng lượng Mặt Trời của Đức nữa.
Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dau-cham-het-doi-voi-nganh-nang-luong-mat-troi-cua-duc-2024527125995.htm
In bài biếtBản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/