Đặt hàng 22 nghìn căn hộ thương mại làm quỹ tái định cư
Khu nhà tái định cư Sài Đồng do Handico3 làm chủ đầu tư để hoang hơn chục năm đã xuống cấp trầm trọng. |
Khắc phục tình trạng bỏ hoang
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mỗi năm vừa qua, thành phố phải đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để xây nhà tái định cư. Tính đến thời điểm hiện tại còn khoảng gần 1.000 căn hộ tái định cư xây xong đã nhiều năm nhưng chưa có người nhận bàn giao, gây lãng phí lớn. Để khắc phục tình trạng này, thành phố thí điểm triển khai hình thức đặt hàng nhà thương mại làm quỹ tái định cư.
Thành phố đề nghị Chính phủ cho phép được áp dụng hình thức thu hồi đất, giao đất theo quy định của Luật Đất đai và lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án, không thông qua đấu thầu, đấu giá. Tiền sử dụng đất được xác định tại thời điểm giao đất theo quy định nhưng tiền sử dụng đất được nộp vào thời điểm nhà đầu tư bán căn hộ tái định cư theo quyết định của UBND thành phố cho các hộ dân; Cho phép nhà đầu tư được hưởng 10% lợi nhuận định mức (không bao gồm lãi suất tiền vay) để thực hiện dự án tương tự định mức phát triển nhà ở xã hội.
Kế hoạch năm 2017-2020, thành phố sẽ đầu tư khoảng 22.300 căn hộ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng (kinh phí dự toán khoảng 55.000 tỷ đồng), đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở tái định cư phục vụ các dự án trong giai đoạn 2018-2020 và các năm tiếp theo. Nếu thực hiện theo phương án trên, thành phố chỉ phải bố trí vốn để GPMB tạo quỹ đất, không phải bố trí ngân sách để xây dựng công trình, doanh nghiệp giải quyết được việc làm, có thu nhập và tham gia vào quản lý, vận hành nhà ở tái định cư, người dân được hưởng chất lượng và dịch vụ theo cơ chế nhà ở thương mại.
Cụ thể, thành phố sẽ đặt hàng nhà thương mại từ một số dự án có chất lượng phù hợp. Về giá bán sẽ do liên ngành thành phố thẩm định. Ngay khi xây xong móng đủ điều kiện bán, thành phố sẽ giới thiệu người dân đến tìm hiểu và đăng ký. Như vậy ngay khi xây dựng xong, các căn hộ về bản chất đã có chủ. Với những căn hộ không có người đặt mua theo diện tái định cư thì chủ đầu tư có quyền bán cho người khác.
Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, sở dĩ phải áp dụng cơ chế đặt hàng còn vì: Sau khi Luật Nhà ở năm 2014 ra đời quy định những đô thị loại 1 và đặc biệt thì không bỏ ngân sách ra xây dựng nhà tái định cư mà thực hiện mua nhà thương mại và nhà xã hội làm nhà tái định cư. Tuy nhiên, việc triển khai bị vướng mắc rất lớn do không có quỹ nhà thương mại có sẵn để mua làm nhà tái định cư. Luật Kinh doanh bất động sản không bắt buộc chủ đầu tư phải bán cho thành phố. Nhà xã hội cũng như vậy, xây xong móng là chủ đầu tư có quyền bán chứ không nằm chờ để bán làm nhà tái định cư.
Gắn trách nhiệm chủ đầu tư
Theo ông Vũ Ngọc Đạm, với cơ chế đặt hàng, chất lượng nhà ở, chất lượng dịch vụ gắn liền với trách nhiệm của nhà đầu tư. Nếu đầu tư chất lượng nhà kém thì sau này quản lý vận hành, nhà đầu tư phải bỏ thêm chi phí. Nhà đầu tư cũng không dám làm nhà kém chất lượng vì sẽ không có người mua. Cũng vì thế, thành phố cắt giảm lượng công việc và nhân sự khá lớn trước đây nằm ở các ban quản lý dự án, các doanh nghiệp nhà nước làm quản lý vận hành các khu nhà tái định cư. “Hiện nay chỉ còn 14 dự án nhà ở tái định cư đang làm dở dang, còn lại sẽ chấm dứt cơ chế cũ”, ông Đạm nói.
Hiện nay, Hà Nội đã bắt tay thí điểm cơ chế này để tạo nguồn quỹ nhà cho GPMB. Thành ủy đã thông qua 6 dự án thí điểm theo phương thức đặt hàng với 4.325 căn có tiến độ dự kiến hoàn thành trong năm 2019-2020. Các nhà đầu tư tham gia triển khai đợt này gồm: Cty CP Tứ hiệp Hồng Hà Dầu khí đầu tư dự án tại khu đô thị Pháp Vân Tứ Hiệp; Liên danh Cty CP đầu tư Vietasset - Cty CP Đầu tư và xây lắp Contrexim 8 đầu tư dự án tại khu đô thị Xuân Phương; Cty CP xây dựng Vinaconex 1 đầu tư dự án tại 289A Khuất Duy Tiến…
Đại diện lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, thực trạng chất lượng thiết kế, thi công, quản lý vận hành tại nhiều khu nhà tái định cư đang bộc lộ nhiều bất cập, chất lượng rất thấp. Khoảng 70% nhà tái định cư đã bị đem bán lại do nhiều nguyên nhân. Những người ở lại thường do hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng thay đổi nhà ở. “Thành phố mỗi năm chi cả nghìn tỷ cho xây dựng, vận hành nhà tái định cư mà người dân vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả”, vị đại diện UBND quận Cầu Giấy nói.