|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đặt cược 4.000 tỷ, dự án thép tỷ USD của Hoa Sen có đi vào “vết xe đổ” Formosa?

07:35 | 28/08/2016
Chia sẻ
Chủ đầu tư hứa hẹn và cam kết rất nhiều, điều này dễ lý giải bởi các nhà đầu tư thường vẽ ra dự án rất hay ho để thuyết phục. Tuy nhiên, cần xem xét, thẩm định dự án và đưa ra những ưu đãi hợp lý, ông Ngô Trí Long cho biết.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) dự kiến đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ USD, tương đương hơn 230.000 tỷ đồng, công suất 16 triệu tấn/năm.

Hoa Sen cũng dự tính đầu tư thêm 4 dự án: Hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, nhà máy sản xuất xi măng; nhà máy nhiệt điện- năng lượng tái tạo cùng một nhóm dự án khai thác khoáng sản, vận chuyển, kho bãi, khách sạn du lịch… Dự án triển khai trên diện tích đất 1.500 ha.

dat cuoc 4000 ty du an thep ty usd cua hoa sen co di vao vet xe do formosa
Dự án thép với vốn đầu tư 10,6 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn/năm tại Ninh Thuận đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.

Thông tin tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận mới đây cho biết, ngày 25/8, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định phê duyệt bổ sung dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận” vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.

Dự kiến giai đoạn 1, tổ hợp này sẽ đưa vào vận hành 3-4 lò cao, mỗi lò có công suất 1,5 triệu tấn thép/năm. Dự kiến đến năm 2020 tổ hợp thép cán của Hoa Sen sẽ cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thép. Tổng số lò cao dự kiến của toàn dự án lên đến 10 lò.

Trao đổi với BizLIVE, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết, hiện thị trường thép chưa bão hoà vì quá trình công nghiệp hoá, thép được ví như “lương thực” của nền kinh tế tuy nhiên, bài học nhãn tiền dự án thép Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường mới đây do đó cần xem xét các vấn đề thẩm định dự án, đánh giá tác động môi trường, vấn đề sử dụng công nghệ, và vấn đề hoàn thuế.

Ông Long nhận xét, với dự án thép tại Ninh Thuận, chủ đầu tư hứa hẹn và cam kết rất nhiều, điều này dễ lý giải bởi các nhà đầu tư thường vẽ ra dự án rất hay ho để thuyết phục. Tuy nhiên, cần xem xét, thẩm định dự án và đưa ra những ưu đãi hợp lý.

Về cam kết môi trường mà chủ đầu tư đưa ra, ông Long cũng phân tích, việc đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ xử lý chất thải khá tốn kém, trong bối cảnh cạnh tranh mạnh, nhất là gần đại công xưởng như Trung Quốc, do vậy cần tính toán về mặt kinh tế.

“Xem xét ưu đãi, hiệu quả xã hội, giải quyết được vấn đề dân sinh và phát huy hiệu quả đầu tư tư nhân nhưng vấn đề quan trọng là vấn đề môi trường. Dự án vẽ ra thường hay, đẹp nhưng cơ quan thẩm định cần cầu thị, khách quan và công tâm”, ông Long nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, đối với dự án thép cần siết chặt quy định môi trường. Bên cạnh đó, ông Sưa cũng lưu ý, các nhà đầu tư cần thận trọng trong bối cảnh thị trường thế giới đang dư thừa thép.

Chia sẻ thông tin trên Tuổi trẻ, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết, dự án của Hoa Sen đang xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường nên trước mắt có thể nói sẽ xử lý theo công nghệ hoàn toàn khác dự án Formosa Hà Tĩnh.

“Chúng tôi sẽ xây hồ chứa sinh học rộng 20-30ha để xử lý nước đến khi đạt chuẩn sau đó tái sử dụng. Tuyệt đối không để một giọt nước chưa xử lý nào lọt ra biển”, ông Vũ nói.

Cũng theo ông Vũ nếu dự án của Hoa Sen xảy ra tình trạng tương tự như Formosa, những cổ phần, tài sản đang có của ông tại Tập đoàn Hoa Sen sẽ giao hết cho nhà nước.

Tại Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, các công ty do ông Vũ và gia đình nắm giữ đang sở hữu khoảng 45% cổ phần, tương đương khoảng 4.000 tỷ.

Tuy nhiên, trong một trao đổi với BizLIVE thời điểm sự cố cá chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh miền Trung được xác định do Formosa, ông Nguyễn Trần Bạt, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch InvestConsult Group từng cho biết, nếu nước thải sạch và uống được như lý thuyết thì không có thép. Sản lượng thép sẽ biến mất cùng với độ sạch của nước thải.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE