Đánh thuế môi trường 8.000 đồng/lít xăng: 'Chỉ nhìn về phía quản lý Nhà nước'
|
Bàn về tăng trưởng năm 2017, TS Nguyễn Đình Cung cho biết, điều hành kinh tế năm 2017 cần nhiều đột phá, đi theo hướng tái cơ cấu kinh tế thay vì kiểm soát, quản lý. Các cách điều hành cũ đã tới hạn, cần thay đổi tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Cung bày tỏ lo ngại năm 2017 chưa tạo ra được sự thay đổi vì ngay đầu năm Chính phủ đã đánh thuế môi trường (sau khi tăng lên tới 8.000 đồng) vào xăng dầu. Ông cho rằng điều này nhìn vào phía thu ngân sách nhiều, phía quản lý nhà nước, phía Chính phủ nhiều hơn việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.
Vị chuyên gia lấy ví dụ: "Ở Đức giá điện không thu từ doanh nghiệp mà thu từ người dân trả cuối cùng. Giá điện của Đức có 4 – 5 cấu phần, giá thành sản xuất, thuế môi trường, trợ cấp. Các khoản này sẽ tính vào giá người tiêu dùng cuối cùng phải trả, doanh nghệp được loại ra để giảm chi phí sản xuất. Ở Việt Nam chưa thấy giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong khi việc giảm chi phí trở thành yếu tố quyết định tới việc phát triển, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cải thiện môi trường kinh doanh, cách giảm chi phí đối với doanh nghiệp Việt Nam rất "cỏn con". Mới đây, Bộ Tài chính điều chỉnh một loạt giá phí dịch các loại, theo ông Cung, việc này không phải để cải cách thị trường hóa thị trường này mà đây là thủ tục hành chính. Như vậy, điều hành đó của Chính phủ đi ngược lại với cơ chế tự chủ về giá, thị trường hóa về giá cả.
Việc điều hành giá cả như vậy đang ưu tiên ngân sách hơn nhìn vào nội lực cải cách. Lấy ví dụ thành công tự do hóa giá cả thị trường từ quá khứ của chính Việt Nam năm 1992, TS Cung cho rằng, không can thiệp vào giá cả, thị trường sẽ sôi động lên. Khi đó, tự do hóa giá cả trở thành động lực để thúc đẩy đầu tư tăng cạnh tranh, tăng hiệu quả của ngành cung ứng dịch vụ.
Trong khi đó, một trong những yếu tố cải thiện môi trường kinh doanh là giảm áp lực cho doanh nghiệp. "Việt Nam không giảm được bao nhiêu tăng rất nhiều", TS Cung nhận xét. Theo ông, đây là cách làm hại lợi ích của người lao động, đi ngược lại mong muốn về cải cách. Bên cạnh đó, việc này cũng thể hiện sự không nhất quán trong thay đổi tư duy điều hành.
"Cần hệ điều hành mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững hơn, bao trùm hơn, dài hạn hơn là tăng trưởng ngắn hạn và tạo rất nhiều phí tổn cho nền kinh tế", Viện trưởng CIEM nói. Ông nhấn mạnh, kinh tế đã đến điểm tới hạn rồi, nếu tiếp tục điều hành như thế này sẽ không tạo được tăng trưởng mà chỉ càng thêm bất ổn kinh tế vĩ mô. Năm 2016 - 2017 hệ điều hành để thúc đẩy tăng trưởng và cải cách kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi mặc dù có nhiều chính sách ban hành.
Phó trưởng ban Kinh tế Vĩ mô (CIEM), ThS Nguyễn Anh Dương cũng cho rằng năm 2017 trọng tâm nên là tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển, cải cách khuôn khổ pháp lý... Đây là cách để giải quyết bất định liên quan đến bối cảnh tăng trưởng kinh tế và bất định liên quan đến hội nhập.